Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắp sáng hai sườn Trường Sơn

Thanh Mai| 15/02/2013 07:30

(HNM) - Vừa qua cái nắng hanh hao ở thành phố Đông Hà, qua những vòng cua tay áo, Khe Sanh đón chúng tôi bằng làn mưa nhè nhẹ của mùa xuân.

Công nhân Điện lực Khe Sanh (Công ty Điện lực Quảng Trị) lắp điện cho các hộ đồng bào Vân Kiều ở bản Cu Vơ.


Điện sáng thôn bản

Từ  thị trấn Khe Sanh đi theo nhánh tây Trường Sơn hơn 20 cây số đường đồi núi quanh co, phải mất hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới bản Cu Vơ. Hèn gì từ tối hôm trước các anh dặn đi dặn lại rằng chúng tôi phải dậy sớm để 6h sáng xuất phát từ thành phố Đông Hà, mặc dù đường lên Lao Bảo giờ đã thênh thang lắm rồi.

Bản Cu Vơ trước mắt chúng tôi thật yên bình. Bản chỉ có 55  hộ đều là dân tộc Vân Kiều, kinh tế mang tính tự cung tự cấp, trình độ dân trí thấp và phải thường xuyên đối mặt với bệnh sốt rét nên cuộc sống của người dân còn khó khăn. Đường lên bản mới được làm cách đây 3 năm. Lúc anh em ngành điện đưa điện về bản, đường làm chưa xong, phải đi bộ hơn 4 cây số để mang vác vật tư, vật liệu thi công.

Gần 20 năm trở lại đây, với chính sách di giãn dân, việc bố trí dân cư xen kẽ với người Kinh từ miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới, người Vân Kiều đã dần từ bỏ tập quán làm nương rẫy theo kiểu "nhờ trời" và nhất là từ khi có điện, họ đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từng bước xây dựng kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Công việc tưới tiêu nhờ thế cũng đã bớt nhọc nhằn và chế biến sắn, ngô và chuối không còn là ước mơ như trước đây. Cuộc sống của họ đã thực sự vững chãi trên vùng đất này. Mặc dù bản chỉ có 55 hộ gia đình nhưng nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình dự án, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống người dân về cơ bản đã được đầu tư xây dựng đầy đủ, như: hệ thống điện, nước sinh hoạt, kiên cố hóa tuyến đường lên bản, có trường THCS, trạm y tế, trường mầm non và nhà văn hóa… Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng nhiều dấu tích của vùng căn cứ cách mạng ở mảnh đất Hướng Hóa dường như không bị thời gian che lấp... Ân tình của người dân đối với cách mạng và những trang sử hào hùng gắn liền với mảnh đất này vẫn còn chảy mãi như dòng nước sông Thạch Hãn, Đăk Krông, Rào Quán, Sê Păng Hiêng, Sê Pôn.

Đánh thức tiềm năng

Bây giờ, Công ty Điện lực Quảng Trị đã bán lẻ đến 100% hộ sử dụng điện, với 60 xã đã tiếp nhận lưới điện hạ áp, quản lý 1.100km đường dây hạ thế, 407 trạm biến áp, hơn 62.000 hộ dân trải dài khắp toàn tỉnh, nhiều địa bàn hiểm trở, khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa. Chất lượng điện năng cơ bản đã được cải thiện, tổn thất điện năng đã giảm xuống rõ rệt, đặc biệt là sau khi hoàn thành thay thế công tơ đạt tiêu chuẩn, giá bán điện đến người dân giảm, giá bán điện ngành điện thu tăng lên (đối với Quảng Trị năm 2012 phần tăng giá khu vực tiếp nhận lũy kế 12 tháng tăng 608,756 đồng/kWh, tỷ lệ tổn thất khu vực tiếp nhận lũy kế 12 tháng giảm chỉ còn 7,68%). Những câu chuyện như thế này ở đồng bằng hay thành phố là chuyện bình thường, ít ai để ý, nhưng ở các thôn, bản ở Quảng Trị là những con số biết nói, nói lên sự nỗ lực không ngừng của anh em ngành điện không quản khó khăn, gian khổ để đưa điện lên vùng cao.

Có điện, con em được học hành không phải thắp đèn dầu, được xem tivi, nghe đài. Thế nhưng, được tận mắt chứng kiến cuộc sống nơi đây, có thể thấy những đổi thay ấy vẫn còn chưa tương xứng với một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và những đóng góp của nhân dân trong kháng chiến. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Hướng Hóa vẫn còn quá cao, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đường vào nhiều làng chưa có. Chẳng vậy mà Giám đốc Điện lực Quảng Trị Phạm Sĩ Hùng vẫn cứ trăn trở về 62 thôn bản với 1.227 hộ (chiếm 1,14% số hộ có điện trên toàn tỉnh) ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn chưa có điện.

Hướng Hóa có diện tích 115.072ha, dân số 67.000 người, với chủ yếu 3 dân tộc Pa Kô, Vân Kiều và Kinh. Đất đai chủ yếu là đất bazan, có địa hình bán bình nguyên, đỉnh bằng, sườn thoải, dễ trồng trọt, một tặng vật của thiên nhiên cho cây cà phê Arabica. Các con sông Sê Păng Hiêng, Sê Pôn, Rào Quán vừa tạo "non nước xanh biếc", vừa là nguồn nước tạo hương vị khó quên cho cà phê Khe Sanh.

Ngủ yên qua suốt thời chiến tranh dài, tiềm năng cà phê Khe Sanh mới được "đánh thức" và thực sự là một điểm nhấn của Khe Sanh hiện tại và của Khe Sanh tương lai. Mỗi năm, toàn huyện Hướng Hóa thu hoạch được hơn 6.000 tấn cà phê nhân, giá trị kinh tế lên tới cả chục triệu USD. Sự đổi thay nhờ cà phê thấy rõ trên khuôn mặt những người "một nắng, hai sương". Bước ngoặt đối với cây cà phê Khe Sanh là năm 2002 với việc nhà máy chế biến cà phê quả tươi đầu tiên đi vào hoạt động, công suất 15.000 tấn/năm do Tập đoàn Thái Hòa đầu tư. Tiếp đó, năm 2005, một nhà máy chế biến khô hiện đại công suất 30.000 tấn cà phê nhân/năm được Tập đoàn Thái Hòa đầu tư tại Khu thương mại Lao Bảo, tạo thành chuỗi sản xuất hoàn chỉnh từ cà phê quả tươi thành sản phẩm cà phê xuất khẩu, có thể đi thẳng ra thị trường thế giới. Cà phê Khe Sanh đã ghi danh trên bản đồ cà phê thế giới. Niên vụ 2009-2010, cà phê Khe Sanh đã  xuất thẳng cho các nhà rang xay thế giới.

Bên ngoài cửa sổ quán cà phê mà chúng tôi ngồi, màu xám của những xác xe tăng, máy bay, tàn tích của chiến tranh đã chìm vào trong hoa trắng cà phê đầu xuân.

Dòng điện của tình đoàn kết dân tộc

Năm 1998, thực hiện các hiệp định về hợp tác trao đổi năng lượng có tính chiến lược và lâu dài giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào, Tổng Công ty Điện lực miền Trung giao nhiệm vụ bán điện cho nước bạn qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) - Denesavanh (Savannakhet) cho Điện lực Khe Sanh (trực thuộc Công ty Điện lực Quảng Trị). Năm 2003, tại cửa khẩu La Lay giáp huyện Samuôi, tỉnh Salavan (Lào), Công ty Điện lực Quảng Trị  triển khai điểm bán điện thứ hai cho nước bạn Lào.

Năm 1998, Điện lực Khe Sanh cung cấp điện cho nước bạn Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo bằng đường dây 35kV từ trạm 110kV Đông Hà với công suất trạm 4.000KVA, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và cung cấp điện an toàn, ổn định. Năm 2003, Công ty Điện lực Quảng Trị đã xây dựng trạm 110kV Lao Bảo và cấp điện từ trạm này; đồng thời nâng công suất trạm biến áp từ 6.300KVA lên 10.000KVA, không qua trạm trung gian. Năm 2012, sản lượng điện tiêu thụ bình quân là 2,5 triệu kWh. Từ năm 2013, khu vực Savannakhet đã được cấp điện từ một nhà máy thủy điện nhỏ khoảng 6MW nên sản lượng điện tiêu thụ tháng 1 chỉ còn khoảng 1.793.000kWh. Sản lượng tiêu thụ điện tháng 1 từ cửa khẩu La Lay là 152.328kWh. Việc bán điện sang các tỉnh vùng biên giới chưa có điện của nước bạn Lào càng làm thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó đồng bào giữa hai nước Việt - Lào, tạo nên sức mạnh cộng đồng để thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở vùng biên giới.

Tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Salavan, Savannakhet nằm yên bình trên dải biên giới Việt - Lào. Bao đời nay, người dân nơi đây luôn đùm bọc, yêu thương nhau. Trong suốt chuyến hành trình đến với những bản xa xôi được cấp điện, đến trạm biến áp bán điện sang nước bạn Lào sát biên giới Quảng Trị, chúng tôi nhận ra rằng những người thợ điện Việt Nam luôn gần gũi giúp đỡ thợ điện Lào, thể hiện tình cảm gắn kết tình nghĩa người giai cấp công nhân hai nước. Điều này góp phần tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu vùng xa và làm cho thế trận lòng dân ngày càng được củng cố vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thắp sáng hai sườn Trường Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.