Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo “nút thắt”, giải ngân nhanh

Hồng Sơn| 13/02/2012 07:20

(HNM) - Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong tháng 1 diễn ra trầm lắng, với lượng vốn mới cấp phép chỉ đạt 37,3 triệu USD, bằng 2,5% so với cùng kỳ năm trước và đã xuất hiện một vài ý kiến quan ngại về khả năng thu hút cũng như giải ngân vốn ĐTNN trong năm 2012.


Thực tế đang đặt ra yêu cầu cần làm rõ nguyên nhân và hướng khắc phục để duy trì lượng vốn cũng như nâng cao tốc độ giải ngân dòng vốn quan trọng này trong năm nay...

Kiểm tra điện thoại trước khi đóng hộp tại Công ty Điện tử Samsung Vina. Ảnh: Bảo Lâm


MỘT câu hỏi được đưa ra là liệu Việt Nam có thể giữ được nhịp độ thu hút ĐTNN như năm 2011? Và một số chuyên gia đã dự báo là có thể, vì nền kinh tế mới đi qua tháng đầu tiên và là tháng đặc thù có đợt nghỉ Tết kéo dài khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa thể lấy lại "phong độ". Nếu xét về đại cục có thể tin là Việt Nam sẽ chặn được đà suy giảm về ĐTNN, bởi một tháng chưa đủ đại diện cho cả năm, trong khi Chính phủ và từng địa phương đang quyết tâm đẩy nhanh tốc độ cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Việt Nam đang có quan hệ đối ngoại rất chặt chẽ với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU... từ đó tạo cơ hội "dẫn" dòng vốn đầu tư từ các DN ngoại vào Việt Nam. Đặc biệt, các DN Nhật Bản đang di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài, nhắm đến những địa điểm hấp dẫn và Việt Nam là một trong những nơi "sáng giá" được họ lựa chọn. Bên cạnh đó, nhiều DN Hàn Quốc vẫn tiếp tục xác định Việt Nam là một ưu tiên đầu tư để mở rộng doanh thu, sản xuất hàng xuất khẩu sang nước thứ ba. Một số nhà đầu tư ở Trung Đông, Ấn Độ cũng sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam thay vì tập trung vào một vài địa bàn truyền thống khác để giảm thiểu mức độ rủi ro.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cũng thống nhất với một số địa phương rà soát danh mục dự án, tiếp tục thực hiện định hướng "gọi" ĐTNN một cách cẩn trọng, nhằm vào các chủ đầu tư xứng đáng, từ đó góp phần tăng sức cạnh tranh của Việt Nam. Cộng đồng nhà đầu tư cũng rút kinh nghiệm và tự giác thực hiện những cam kết khi xin cấp phép. Công tác xúc tiến đầu tư sẽ được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, nhằm vào những đối tác tiềm năng. Các dự án "gọi" đầu tư phải được đặt trong mối quan hệ và nhu cầu về tính liên vùng - khu vực chặt chẽ, tránh tình trạng chồng lấn, thừa hoặc thiếu về số dự án thuộc cùng một lĩnh vực tại một khu vực. Bộ KH-ĐT cũng phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo đề án đối tác chiến lược, danh mục quốc gia về "gọi" ĐTNN giai đoạn 2011-2015 trình Chính phủ để dẫn hướng dòng vốn ngoại. Đến nay, những đối tác lớn, truyền thống của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư - kinh doanh và khả năng sinh lời của đồng vốn đầu tư ở Việt Nam. Đặc biệt, Nhật Bản và Singapore đang ấp ủ một số dự án lớn, có trình độ công nghệ tiên tiến và sức lan tỏa rộng, hứa hẹn mang lại sự đóng góp to lớn đối với nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế hy vọng năm 2012 cả nước có thể thu hút được 15-16 tỷ USD vốn ĐTNN như dự kiến. Tuy nhiên, kết quả và mức độ giải ngân vẫn là thách thức lớn nhất, bởi đây là thước đo chất lượng của hoạt động ĐTNN. Theo thống kê sơ bộ, hiện còn hơn 100 tỷ USD vốn ĐTNN chưa được giải ngân (trong tổng số 200 tỷ USD tổng vốn đăng ký). Thực tế này cần sự đánh giá đúng mức để tìm ra cách ứng xử phù hợp. Thông thường, nhà đầu tư giải ngân theo phân kỳ đầu tư, vì vậy không thể có ngay một lúc sự giải ngân hoàn toàn, nhất là đối với những dự án mới cấp phép hoặc đang thực hiện. Vấn đề là cơ quan quản lý, địa phương cần chủ động tạo những điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư triển khai dự án đúng hoặc vượt tiến độ để tạo ra kết quả giải ngân nhanh tương ứng. Song, với các dự án gặp khó khăn khách quan, cần tập trung tháo gỡ "nút thắt", nhất là về những vấn đề liên quan đến thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, hạ tầng ngoài hàng rào, chế độ ưu đãi, khả năng cung cấp điện, nước... Riêng với một số dự án cố tình chây ỳ hoặc chậm trễ mà không có lý do chính đáng cần khẩn trương thu hồi giấy phép dù là dự án có quy mô lớn. Năm qua, cấp có thẩm quyền đã rút giấy phép của một dự án thép, với vốn đăng ký gần 10 tỷ USD ở tỉnh Ninh Thuận.

Theo Bộ KH-ĐT, một khi chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết giải ngân sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, giải ngân tốt sẽ sớm đưa dây chuyền vào sản xuất, tạo việc làm, nguồn thu cho xã hội và chủ đầu tư cũng thu được lợi nhuận. Vì vậy, Chính phủ đang theo sát tình hình, chỉ đạo các ngành, địa phương hối thúc các nhà đầu tư giải ngân đúng tiến độ, thậm chí vượt tiến độ, tạo ra những tác động tích cực đối với quá trình phát triển. Những năm gần đây, nguồn vốn ĐTNN luôn đóng góp 28-30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng đang được quan tâm tháo gỡ khó khăn để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu KT-XH...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo “nút thắt”, giải ngân nhanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.