(HNM) - Tiền lương và các chế độ đãi ngộ thấp, thái độ ứng xử với công nhân không đúng mực là nguyên nhân gây ra các cuộc đình công thời gian qua.
Từ nhiều tháng nay, tại Công ty TNHH Viet Pacific Apparel (phường Mộ Lao, quận Hà Đông), công nhân rất bức xúc với thái độ đối xử, điều hành của Giám đốc xưởng. Sau tết Nguyên đán, các dây chuyền đều thiếu lao động khiến công nhân phải tăng ca liên tục, rất mệt mỏi. Nhiều lần kiến nghị mà không được giải quyết, ngày 18-3, hơn 1.400 công nhân của công ty đã đình công, phản đối cách làm việc, ứng xử không phù hợp của Giám đốc xưởng và phiên dịch người Hàn Quốc. Đây là hậu quả của việc Công đoàn cơ sở chưa phát huy vai trò cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động để giải quyết khúc mắc.
Không như những gì diễn ra tại Công ty TNHH Viet Pacific Apparel, tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Hội, với sự tích cực phối hợp giữa chủ sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở, quyền lợi của người lao động luôn được bảo đảm nhờ đối thoại thường xuyên. Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm) định kỳ tổ chức đối thoại với người lao động để lắng nghe và giải đáp kiến nghị của công nhân. Bên cạnh đó, công ty đặt 13 hòm thư, định kỳ vào ngày mùng 10 hằng tháng tổ chức thu thập, tổng hợp các kiến nghị của công nhân lao động (CNLĐ), báo cáo tại hội nghị cán bộ chủ chốt của công ty. Tổng Giám đốc công ty phối hợp với Công đoàn tổ chức và trực tiếp điều hành Ủy ban Đạo đức - Văn hóa của doanh nghiệp, hằng tháng rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành; đưa ra các quyết sách phù hợp với kiến nghị, yêu cầu của CNLĐ. Nổi bật như công ty đã kịp thời tuyển dụng thêm 1 bác sĩ, thực hiện đúng theo Thông tư liên tịch số 14 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và Tổng LĐLĐ Việt Nam; từ đầu năm 2016, doanh nghiệp tính tất cả phụ cấp vào tiền lương làm thêm (được trả 150% lương). Tại các cuộc đối thoại, hầu hết những kiến nghị hợp lý của công nhân đều được ban giám đốc giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, khoảng cách giữa ban giám đốc và công nhân được rút ngắn, năng suất lao động cũng ngày một tăng.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam Phạm Thị Vân Anh cho biết, doanh nghiệp có hơn 22 nghìn lao động, theo luật, việc tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, từ đầu năm 2014, doanh nghiệp đã tuân thủ nghiêm túc, định kỳ tổ chức đối thoại với người lao động, đề cập trực tiếp về 3 nội dung: bảo đảm điều kiện làm việc tại các phòng, ban; chế độ phúc lợi cho người lao động; tình hình sản xuất - kinh doanh tại công ty. Các yêu cầu, kiến nghị của công nhân đã được lắng nghe, giải quyết kịp thời. Từ các cuộc đối thoại, Tổng Giám đốc đã chỉ đạo cải tiến, mở rộng, lắp thêm nhiều quạt thông gió tại khu vực làm việc của dây chuyền lắp ráp. Tại các khu vực hành lang, gần cửa, người lao động được trang bị thêm áo khoác chống lạnh, chống gió. Các cải tiến đó đã nâng cao sức khỏe cho người lao động, khiến họ gắn bó hơn với công ty.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Đặng Minh Thuần cho biết, trước đây, việc tổ chức đối thoại tại các doanh nghiệp thuộc KCN-CX Hà Nội rất ít; nhưng đến đầu năm nay, đã có hơn 50% doanh nghiệp tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động. Trên thực tế, ở đâu thực hiện đối thoại tốt, giải quyết thỏa đáng các kiến nghị, yêu cầu của CNLĐ, thì ở đó đời sống của người lao động được cải thiện, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều thuận lợi. Trên cả nước, 90% các vụ đình công xảy ra ở các doanh nghiệp FDI với chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, có văn hóa ứng xử khác với người Việt Nam. Sự khác biệt này nếu không được thông cảm, thấu hiểu thông qua đối thoại, sẽ dẫn tới xung đột, đình công. Khi đó cả doanh nghiệp và người lao động cùng bị thiệt hại. Tuy vậy, tại các doanh nghiệp lớn, có hàng chục nghìn CNLĐ, nếu thực hiện nghiêm luật (tổ chức đối thoại 3 tháng một lần) sẽ gặp nhiều khó khăn. Mới đây, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã kiến nghị, sau 3 tháng nếu cả hai bên người sử dụng lao động và người lao động không có yêu cầu, kiến nghị, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện theo nội dung thỏa thuận đạt được sau cuộc đối thoại lần trước đó, không bắt buộc phải tổ chức đối thoại lại. Tuy nhiên, vấn đề mang tính quyết định là vai trò, sự tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó phải có chế tài phù hợp đối với các doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định về đối thoại định kỳ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.