Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảo luận việc mở rộng hình thức tố cáo

Hương Ly| 25/05/2018 06:33

(HNM) - Hôm qua 24-5, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án: Luật Tố cáo (sửa đổi). Phiên thảo luận tại hội trường về Luật Tố cáo (sửa đổi) đã ghi nhận những ý kiến tranh luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội.

Tiếp nhận đơn thư của công dân tại UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Bá Hoạt


Lo lợi dụng tố cáo qua thư điện tử để vu khống

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, hình thức tố cáo… Các quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cụ thể hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo hiện hành.

Về hình thức tố cáo, có hai luồng ý kiến: Thứ nhất, giữ nguyên hai hình thức tố cáo hiện hành là bằng văn bản và trực tiếp tố cáo. Thứ hai, mở rộng thêm hai hình thức: Tố cáo qua điện thoại và thư điện tử, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền tố cáo.

Thảo luận tại hội trường về vấn đề này, đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị, chỉ nên giữ hình thức như quy định hiện hành: Chấp nhận tố cáo trực tiếp hoặc bằng văn bản, chứ không nên mở rộng hình thức tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại. “Lý do thứ nhất là khó bảo đảm tính chính xác và nội dung phải rõ ràng. Lý do thứ hai, khi cá nhân tố cáo qua điện thoại, người tiếp nhận vẫn phải hướng dẫn người tố cáo viết thành văn bản hoặc ghi lại nội dung tố cáo. Do đó, về thực chất quy trình lại quay về tố cáo bằng văn bản. Lý do thứ ba, việc tố cáo qua điện thoại rất mất thời gian xác minh danh tính người tố cáo, xác minh tính chính xác của thông tin. Từ các lý do trên, tôi đề nghị giữ nguyên hình thức tố cáo như luật hiện hành”, đại biểu Bùi Huyền Mai nêu ý kiến.

Chung quan điểm này, đại biểu Võ Đình Tín (Đoàn Đắk Nông) cũng nhận định, việc cho phép sử dụng mạng xã hội, email, fax… để tố cáo là thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, hình thức này sẽ dẫn tới tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, xác minh. Đồng thời có thể tạo ra kẽ hở để một số người lợi dụng vu khống, xúc phạm danh dự của người khác.

Dẫn số liệu tổng kết thực hiện Luật Tố cáo hiện hành, có trên 60% là tố cáo sai, 20% tố cáo có đúng, có sai và chỉ có hơn 10% tố cáo đúng, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, nếu mở rộng các hình thức tố cáo sẽ khó kiểm soát, xử lý tố cáo.

Thêm nhiều kênh tiếp nhận thông tin tố cáo

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai phát biểu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Tranh luận về hình thức tố cáo, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) không đồng tình với việc chỉ giữ hai hình thức tố cáo như hiện hành. Đại biểu dẫn quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 tại Khoản 1, Điều 15: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo, trực tiếp gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật. "Khi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta còn nhiều khó khăn, tại sao lại bỏ các hình thức tố cáo này đi”.

Phân tích thêm về lợi ích của kênh thông tin tố cáo qua điện thoại, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu dẫn chứng: "Ví dụ tôi đang ở TP Hồ Chí Minh, phát hiện một người thân bị ép buộc phải đưa tiền ở nơi khác. Tôi biết điện thoại của cơ quan chức năng và gọi đến tố cáo, chẳng lẽ cơ quan chức năng không làm?". Từ ví dụ này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, nếu không có quy định về các hình thức này sẽ mất đi kênh thông tin quan trọng để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để người dân, báo chí giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, các cơ quan nhà nước.

Góp ý kiến về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, đại biểu Nguyễn Văn Man (Đoàn Quảng Bình) đề nghị bổ sung quy định người tố cáo được bồi thường thiệt hại khi tố cáo đúng nhưng tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi bao che, ban hành kết luận trái pháp luật, gây thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến tinh thần, danh dự của người tố cáo. "Cần bổ sung quy định này bởi hiện tại, nếu người tố cáo có hành vi tố cáo sai sự thật phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Nhưng tố cáo đúng mà người giải quyết sai, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự chẳng lẽ không chịu trách nhiệm bồi thường, như vậy là không công bằng", đại biểu phân tích. Liên quan đến nội dung bảo vệ người tố cáo, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) đề nghị bổ sung quy định, yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo hoặc người thân thích...

Ghi nhận những ý kiến góp ý tâm huyết của các vị đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các ý kiến đóng góp, tranh luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) tại phiên thảo luận sẽ được các cơ quan tiếp thu, hoàn chỉnh và báo cáo Quốc hội trước khi xem xét thông qua. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận việc mở rộng hình thức tố cáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.