Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảo luận hai vấn đề quan trọng

Hương Ly| 10/11/2017 06:51

(HNM) - Ngày 9-11, tiếp tục chương trình của kỳ họp, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới rồi tiến hành thảo luận tại hội trường. Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và thảo luận ở tổ về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường. Ảnh: Nhật Nam


Điểm sáng về thực hiện bình đẳng giới

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nhiều chương trình, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy công tác bình đẳng giới. Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về Chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình. Trong đó, các chỉ số xếp hạng liên quan tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục và tham chính đã có những chuyển biến tích cực. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những điểm sáng về bình đẳng giới trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, các đại biểu cũng nêu nhiều bất cập. Đại biểu Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, vẫn còn tình trạng phụ nữ và trẻ em gái thiệt thòi và yếu thế hơn so với nam giới. Trong lĩnh vực chính trị, mặc dù tỷ lệ cán bộ nữ có xu hướng tăng, nhưng chưa đạt chỉ tiêu. Số phụ nữ đảm đương các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là cấp trưởng, so với nam giới còn khoảng cách rất xa; phụ nữ vẫn chịu gánh nặng “kép” về công việc xã hội và chăm sóc gia đình.

Nhấn mạnh thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiến bộ là cần thiết, song đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) nêu lại vụ bổ nhiệm “thần tốc” một nữ trưởng phòng tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa và cho rằng, đây không phải bình đẳng giới mà vì động cơ khác. Việc quy hoạch cán bộ nữ trẻ thực hiện không đúng quy trình, bổ nhiệm “thần tốc” vào vị trí lãnh đạo cần được xử lý nghiêm minh, nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu. Bởi đây không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là biểu hiện coi thường phụ nữ, dễ tạo ra lối sống thiếu lành mạnh trong cán bộ quản lý, gây tâm lý bất an cho nữ cán bộ trẻ.

Quan tâm tới lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao


Phiên thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chiều 9-11 cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, tính khả thi của nội dung dự án luật không cao. Nhiều quy định còn đơn giản, chưa thể hiện được quyết tâm chính trị. Đáng nói, phạm vi điều chỉnh của luật được mở rộng nhưng không đưa khu vực tư nhân vào. Trong khi đó, tham nhũng đang có “sân sau” chính là khu vực tư nhân. “Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cần quan tâm đến lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, ngay cả ở cấp xã” - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Quý Vương (Đoàn Hưng Yên) cũng cho rằng, dự thảo còn quá dài, nhiều nội dung chưa rõ ràng, chưa đầy đủ. Theo đại biểu, cần nhấn mạnh việc “phòng” rồi mới “chống”, còn khi xảy ra tham nhũng thì trách nhiệm điều tra, xử lý đã thuộc cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra. Liên quan đến việc xác định đối tượng tham nhũng, đại biểu cho biết, nếu trước đây xác định người có chức vụ, có quyền hạn mới có điều kiện để tham nhũng thì thực tế hiện nay, qua kiểm tra ở một số địa phương, ngay cả nhân viên kế toán của trường học cũng thông đồng với hiệu trưởng làm sai lệch để rút tiền, quyết toán khống… Do đó, việc quy định đối tượng tham nhũng trong luật phải cân nhắc.

Nêu ý kiến về vấn đề chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước) cho rằng, khi chưa đánh giá được đầy đủ việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, nên tập trung bổ sung phương hướng để thực hiện tốt luật này. Nếu chúng ta mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sẽ liên quan đến bộ máy và lúc đó hiệu quả phòng, chống tham nhũng liệu có tăng thêm?

Thủ tướng và 4 bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn

Ngày 9-11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chốt danh sách 4 bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội, gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các bộ trưởng có liên quan cũng sẽ tham gia giải trình thêm các nội dung đại biểu nêu. Quốc hội cũng sẽ dành thời gian nửa ngày để Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời về các nội dung chất vấn chung của đại biểu.

Cụ thể, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời chất vấn về: Công tác quản lý thuế, giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, bảo đảm nền tài chính an toàn bền vững, quản lý nợ công hiệu quả. Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời về: Điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động của ngân hàng yếu kém và giải pháp an toàn cho cả hệ thống ngân hàng... Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, kiểm soát thông tin xấu, độc... Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời về: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nâng cao năng lực công chức ngành Tòa án...

Tính đến ngày 2-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 59 văn bản đề xuất nội dung chất vấn của các đoàn đại biểu Quốc hội với 115 nhóm vấn đề và 43 phiếu chất vấn của đại biểu với 53 câu chất vấn dành cho các thành viên Chính phủ.

Trung Nguyên

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận hai vấn đề quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.