Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảo luận dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

Hiền Thu| 11/08/2020 13:08

(HNMO) - Sáng 11-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp.

Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) gồm 6 chương và 57 điều. Dự án Pháp lệnh giữ nguyên 12 diện đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành và làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng.

Cho ý kiến tại phiên họp, cơ bản tán thành các nội dung, song Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần tính toán kỹ để chủ động trong vấn đề ngân sách.

Chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là quan trọng, có ý nghĩa xã hội to lớn, do đó, cần có sự tính toán kỹ lưỡng, đầy đủ để Nhà nước chủ động thực hiện hiệu quả, khả thi nội dung rất nhân văn này. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn vì sao dự án Pháp lệnh sửa đổi lần này chỉ giới hạn là công dân Việt Nam có công với nước, trong khi Pháp lệnh hiện nay và Hiến pháp năm 2013 không phân biệt người có công với cách mạng là người Việt Nam hay người nước ngoài.

Nêu rõ trong khi thực tế hiện nay Nhà nước vẫn giải quyết chính sách đối với người nước ngoài có công với cách mạng Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của đồng chí Uông Chu Lưu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tới.

Về điều kiện công nhận liệt sĩ, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ý kiến: “Điều kiện để được công nhận là liệt sĩ cần phân biệt cho rõ: Liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu đã quy định rõ ràng, còn trong thời bình khi thực thi công vụ, lao động trong trường hợp đặc biệt không may bị tử vong thì xem xét trong quy định cho chặt chẽ nhằm tôn vinh hành động dũng cảm để giáo dục nêu cao tinh thần xả thân... qua đó lan tỏa hình ảnh cao đẹp mang tính giáo dục lý tưởng cách mạng”.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ý kiến: Về trường hợp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cần xem lại mức trợ cấp xã hội để các Mẹ sống được từ tiền trợ cấp.  

Tại phiên họp, nhiều đại biểu cũng thống nhất với đề nghị của Chính phủ, chưa bổ sung quy định chế độ ưu đãi đối với thế hệ ba người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm, nhiễm chất độc hóa học mà tiếp tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với tất cả các cháu bị dị dạng, dị tật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) lần này; đồng thời đề nghị ban soạn thảo, ban thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn một số nội dung mà các đại biểu đã cho ý kiến, báo cáo tại phiên họp sắp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.