(HNM) - Nhu cầu sử dụng điện trong năm 2019 và các năm tiếp theo tiếp tục tăng cao, khiến nguồn điện có nguy cơ thiếu hụt, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Tìm giải pháp hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng đến năm 2025 đã được Chính phủ chỉ đạo trong cuộc họp diễn ra vào trung tuần tháng 7-2019.
Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Trưởng ban Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dự kiến công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả năng đưa vào vận hành trong các năm 2019 và 2020 chỉ đạt khoảng 6.740MW, bằng 62,4% khối lượng dự kiến theo Quy hoạch điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Theo đó, tổng công suất các nguồn điện hầu như không còn nguồn dự phòng và sang giai đoạn 2021-2025 sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt.
Với thủy điện, Việt Nam đã cơ bản khai thác hết, chỉ còn một số ít các dự án nhỏ. Điện năng sản xuất từ thủy điện đến năm 2030 chỉ chiếm khoảng 12,4%. Tổng công suất các nhà máy nhiệt điện khí hiện nay là hơn 7.000MW, nhưng trữ lượng bắt đầu giảm và giá cao. Còn các dự án điện mặt trời, điện gió tập trung tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên nhưng vận hành phụ thuộc thời tiết. Trong khi đó, hiện nhiều dự án nguồn điện (trong đó có nhiều dự án nhiệt điện than) đang chậm tiến độ hoặc gặp khó khăn khi triển khai...
Theo ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), vấn đề hiện nay là việc phát triển, tháo gỡ cho các dự án nguồn điện. Điển hình đối với Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1. EVN được giao làm chủ đầu tư các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, gồm: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (nhận chuyển giao từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2. Hiện so với kế hoạch, dự án đã chậm tới 2 năm. Nguyên nhân là gặp nhiều vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư xây dựng... Để tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét việc giao EVN thực hiện các bước tiếp theo mà không trình duyệt lại chủ trương đầu tư.
Trong khi đó, tại cuộc họp hồi trung tuần tháng 7-2019 về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp bảo đảm cung ứng điện đến năm 2025, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc xem xét việc áp dụng quy định tại Luật Điện lực, cho phép triển khai các dự án điện cấp bách để bảo đảm cung ứng điện, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện. Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan giải quyết các thủ tục để triển khai nhanh 9 dự án nguồn điện của EVN, như: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II, Dung Quất I và Dung Quất III...
Cùng với đó, Bộ Công Thương phải đổi mới phương pháp giám sát thực hiện các dự án điện, nhất là đối với dự án trọng điểm, cấp bách; yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung xử lý theo đúng thẩm quyền và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng kéo dài, trì trệ…
Đây là những tín hiệu tích cực để thúc đẩy các dự án nguồn điện nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, phục vụ nhu cầu phát triển và hỗ trợ điều kiện đời sống sinh hoạt của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.