Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ khó khăn về vốn: Ngân hàng, doanh nghiệp khó gặp nhau

Hương Ly| 05/11/2015 15:59

(HNMO)-Ngày 5-11, tại Hà Nội, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phối hợp với Viện Tin học doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn: “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh”.


Để đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho DNNVV, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 với các mục tiêu cụ thể. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 sẽ thành lập mới 350.000 doanh nghiệp và đến ngày 31/12/2015 cả nước có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động; Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; Đầu tư của khu vực DNNVV chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Khu vực DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước; DNNVV tạo thêm khoảng 3,5-4 triệu chỗ làm việc mới.

Tuy nhiên, hiện các DNNVV gặp không ít khó khăn để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Kết quả nhiều cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 70% các DNNVV khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, 53,1% cho biết đang thiếu vốn và 9% DN cho biết họ thiếu vốn trầm trọng. Theo nhận xét của TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, DN và ngân hàng như hai người chạy hai bên bờ sông, chạy mãi mà không…gặp nhau.

Liên quan đến việc hỗ trợ vốn cho SME, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách tín dụng đặc thù tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nói chung cũng như các DNNVV nói riêng. Tính đến hết tháng 9-2015, tổng số tiền được hỗ trợ theo Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đạt trên 570.000 tỷ đồng với hơn 38.000 khách hàng doanh nghiệp và hơn 122.000 đối tượng khác (hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình...).

Lãi suất cho vay của Chương trình phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1% so với năm trước và giảm đáng kể so với thời gian trước khi triển khai Chương trình. Ngân hàng nhà nước cũng thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… với dư nợ trên 70.000 tỷ đồng. Dư nợ vay của các DNNVV không ngừng tăng trưởng qua các năm và luôn duy trì ở mức khoảng 25% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Tính cuối tháng 9-2015, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thực hiện được 3 Dự án tài trợ DNNVV của JICA với số tiền vay là trên 5.000 tỷ đồng, doanh số giải ngân lũy kế đạt 12.715 tỷ đồng với 5.427 lượt DNNVV được vay vốn.

Tại hội thảo, đại diện Cục Tài chính DN, Hiệp hội SME, các ngân hàng thương mại đã nêu nhiều giải pháp cụ thể nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho các SME. Trong đó, ngoài những giải pháp hỗ trợ đến từ Chính phủ và các Ngân hàng thương mại, bản thân các SME cũng phải thực hiện nghiêm chế độ kế toán, quản lý tài chính, xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả nhằm đáp ứng tốt hơn những điều kiện vay vốn của các ngân hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn về vốn: Ngân hàng, doanh nghiệp khó gặp nhau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.