(HNM) - Qua 2 năm phát động phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thành phố Hà Nội, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được cũng còn bộc lộ những hạn chế như: nhận thức, ý thức của người dân và lãnh đạo một số địa phương còn trông chờ vào nguồn lực của nhà nước; kết quả đấu giá đất, huy động nguồn vốn xã hội hóa thấp; dồn điền đổi thửa chậm… Để tháo gỡ những khó khăn trên, đòi hỏi quyết tâm, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ thôn, cụm dân cư.
Cơ sở hạ tầng nông thôn ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đỗ Chí |
Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, dồn điền đổi thửa không phải là một tiêu chí nhưng theo đánh giá của các địa phương, vấn đề này lại có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều tiêu chí như nâng cao thu nhập, thay đổi cơ cấu lao động nông thôn, giảm hộ nghèo... Nhận thức rõ điều này, nhiều huyện như Chương Mỹ, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Thường Tín… đang tập trung chỉ đạo, gấp rút hoàn thành dồn ruộng, kịp thời triển khai sản xuất ngay trong vụ xuân năm 2013. Tại huyện Chương Mỹ, Huyện ủy, UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo, ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Đến nay, toàn huyện đã có 22 xã ra quân làm thủy lợi nội đồng với khối lượng đào đắp lên đến 1,5 triệu mét khối; 15 xã đang thực hiện giao ruộng cho dân.
Mặc dù đạt được kết quả khả quan nhưng theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chương Mỹ Trần Vững, qua nhiều năm việc quản lý, sử dụng đất của một số xã đã "biến dạng" nên có sự chênh lệch diện tích giữa sổ sách và thực địa; có trường hợp quỹ đất 1 nhưng đã "chuyển nhượng" đến 5 chủ sử dụng hoặc làm nhà trên đất phần trăm… Đáng nói, trong dồn điền đổi thửa, quỹ đất công (khoảng 20% trong tổng diện tích đất sản xuất) để dùng vào quy hoạch giao thông, thủy lợi nhưng khi rà soát mới lộ ra thực trạng là ở nhiều xã, đất chỉ còn trên sổ sách còn thực tế địa phương đã cho người dân "thuê lâu dài" với hình thức thu tiền một lần để xây dựng cơ sở hạ tầng thôn, xóm. "Thậm chí, nhiều nơi từ đất công chuyển thành đất vườn và bây giờ đã thành đất ở, có trường hợp còn mua đi bán lại đến ba, bốn lần". - Ông Vững cho hay.
Tại huyện Sóc Sơn, mặc dù đến nay đã hoàn thành dồn ruộng khoảng hơn 9.000ha nhưng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Đại Ngọc, huyện cũng đang gặp một số vướng mắc như việc thanh, quyết toán kinh phí dồn điền đổi thửa đang "tắc"; các xã gặp khó khăn trong khâu lập hồ sơ, thẩm định và phê duyệt hồ sơ dự án; việc hướng dẫn của các sở, ngành TP còn chậm, nhiều nội dung hướng dẫn còn chung chung, không sát thực tế…
Vấn đề thứ hai trong xây dựng NTM cần tập trung tháo gỡ trong năm 2013 là huy động nguồn vốn. Theo tổng hợp sơ bộ từ các địa phương, ngoài nguồn đầu tư của nhà nước, sau lễ phát động xây dựng NTM ở cấp huyện và cấp xã, các DN đã tham gia ủng hộ trên 500 tỷ đồng cùng hàng triệu ngày công lao động của người dân tham gia làm đường, đào đắp thủy lợi, vệ sinh môi trường… Đan Phượng là một trong những huyện đi đầu về phong trào xây dựng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 1-11-2012 đến nay, các xã, thị trấn đã ra quân xây dựng 1.116 tuyến đường với tổng chiều dài 86,6km. Đến nay đã xong gần 800 tuyến và theo kế hoạch, hết tháng 12 sẽ hoàn thành. Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đinh Hữu Hạnh, với nguồn vốn đầu tư lớn (116,3 tỷ đồng), huyện đã khắc phục khó khăn bằng cách tạm ứng một phần kinh phí của huyện cho các xã; ký kết với 2 công ty cung ứng xi măng và cát, sỏi theo phương thức trả chậm không lấy lãi; về phần thi công, các xã đã huy động được hàng trăm nghìn ngày công lao động cùng hàng trăm phương tiện máy móc… Mặc dù vậy, Chủ tịch huyện Đinh Hữu Hạnh vẫn cho rằng, một số xã chưa chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là việc rà soát, đề nghị điều chỉnh bổ sung Đề án xây dựng NTM, chưa huy động được nguồn lực tại địa phương, còn trông chờ, ỷ lại nên tiến độ chậm.
Hiện nay, khó khăn nhất vẫn là huy động vốn từ đấu giá đất. Năm 2012, nhiều địa phương không thực hiện hoặc đạt rất thấp như Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai… Tại huyện Đông Anh, một trong số ít huyện đã thực hiện thành công đấu giá đất xen kẹt năm 2012 với 12.350m2, kinh phí trúng thầu 207,9 tỷ đồng, đã thu được gần 100 tỷ đồng; huy động đóng góp của DN, nhân dân và nguồn xã hội hóa được hơn 283 tỷ đồng… Đạt được con số "ấn tượng" trong bối cảnh bất động sản "đóng băng", kinh tế khó khăn như vậy nhưng theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang, nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác lập kế hoạch tổ chức thực hiện đề án NTM chậm, mới thẩm định được 6/22 xã… Ông Quang cho rằng, trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì phần lớn liên quan đến cơ sở hạ tầng, cần một nguồn kinh phí lớn và ổn định. Vì vậy, ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trong năm 2013, huyện tiếp tục tập trung xã hội hóa và thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng NTM thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.