(HNM) - Ngày 30-5, tại TP Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND các tỉnh, thành phố Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) tại khu vực phía Nam.
Giải quyết gấp rút chuyện tiền lương
Tại cuộc họp, đại diện Hiệp hội Thương mại Đài Loan (Trung Quốc) tại Việt Nam đề nghị hướng dẫn rõ vấn đề chi trả tiền lương cho công nhân trong những ngày đình công. Theo Công văn số 3758/VPCP - KTTH ban hành ngày 25-5 của Văn phòng Chính phủ về một số giải pháp hỗ trợ DN khắc phục thiệt hại, hướng dẫn những DN từng phải ngừng sản xuất, kinh doanh nhưng đã kinh doanh trở lại thì chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động không làm việc trong những ngày từ 12 đến 25-5. Khoản tiền công, tiền lương này được hạch toán vào chi phí và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của DN. Đại diện Hiệp hội Thương mại Đài Loan cho biết, số tiền trả cho công nhân sẽ được khấu trừ vào tiền thuế thu nhập DN tháng 7. Tuy nhiên, DN bị thiệt hại giao hàng không kịp thì làm sao để giải quyết, mặt khác một số DN đang trong giai đoạn miễn thuế thì khấu trừ như thế nào. Đại diện này cũng đề nghị cho biết rõ chi trả tiền lương trong những ngày này là tiền lương cơ bản hay toàn bộ thu nhập.
Công nhân Công ty cổ phần Kaiser chế biến gỗ xuất khẩu (Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát, |
Giải thích thắc mắc của các DN về vấn đề tiền lương, ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, có 3 trường hợp chi trả tiền công, tiền lương. Thứ nhất là, với DN trở lại hoạt động ngay, DN chi trả tiền lương, tiền công và sẽ được khấu trừ; thứ hai, đối với DN bị thiệt hại phải ngừng sản xuất nhưng có khả năng sản xuất trở lại trong tháng 6 nhưng do chủ DN chưa quay lại để thanh toán tiền công, tiền lương thì UBND cấp tỉnh ứng ngân sách địa phương để xử lý, khi chủ DN quay lại làm việc sẽ hoàn trả cho ngân sách và sẽ được khấu trừ sau này. Riêng trường hợp đến ngày 1-7 vẫn chưa thể khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cần tổng hợp báo cáo Thủ tướng để tìm giải pháp. Ông Nguyễn Văn Phụng cũng cho rằng, cả DN và người lao động cần có sự chia sẻ khó khăn trước sự cố đã xảy ra.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ngày 4-6 sẽ tiếp tục trao 40 giấy chứng nhận đầu tư mới và đầu tư mở rộng với nguồn vốn 198 triệu USD cho các DN FDI tỉnh Bình Dương cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. |
Hỗ trợ tốt nhất cho DN
Các DN cũng cho biết, các công ty bảo hiểm tiến hành thủ tục giám định và bồi thường nhanh chóng hơn để DN có nguồn vốn xây dựng nhà xưởng và khôi phục sản xuất. Theo Hiệp hội DN Hồng Kông (Trung Quốc), khi có chứng từ chứng minh thiệt hại thì công ty bảo hiểm cần đền bù ngay lập tức 50%, số còn lại có thể đền bù dần dần. Ông Wang Hao, đại diện Hiệp hội DN Trung Quốc cũng đề nghị quy định luôn thời gian giám định bồi thường cho công ty bảo hiểm để việc này tiến triển nhanh hơn.
Hiệp hội các DN FDI cũng nêu nhiều thắc mắc về vấn đề nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cụ thể là với sự cố đã xảy ra hồi tháng 5, DN nộp hay nhà nước hỗ trợ. Ông Michael Chiu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông đề nghị hỗ trợ khoản vay để chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các DN cũng kiến nghị cho những đơn vị bị thiệt hại vay vốn theo lãi suất USD để giảm gánh nặng cho DN. Ngoài ra, sau sự cố thì có biến động về nhân lực chuyên gia, chuyên viên, vì vậy cần được tạo điều kiện dễ hơn trong cấp phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài để bổ sung đủ những cán bộ quản lý. Các nhà đầu tư cũng đề nghị các văn bản của Chính phủ, chính quyền cần được dịch ra ngôn ngữ của họ để tiện theo dõi, thực hiện.
Ông Lê Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ LĐ, TB&XH) cho biết, Chính phủ đã hạ thấp tiêu chuẩn chuyên gia nước ngoài rút ngắn thời gian cấp phép trên tinh thần tạo điều kiện nhanh nhất để DN có lực lượng chuyên gia khôi phục sản xuất. Đồng thời, nắm tình trạng lao động thiếu hụt và đáp ứng đủ nhu cầu nguồn lực lao động cho DN. Về bảo hiểm xã hội, kinh phí đóng những ngày này như thế nào; giải quyết chế độ chính sách cho người lao động ra sao thì Bộ này đã có kiến nghị Chính phủ và sẽ sớm có thông báo.
Ông Trần Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, 98% DN bị thiệt hại đã tái sản xuất, phần còn lại đang khắc phục. Công tác kê khai, khám nghiệm hiện trường phục vụ cho công tác điều tra và đền bù bảo hiểm đã đạt 98%. "Đến giờ này không thể nói chung chung được mà phải xử lý đến từng DN. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để làm", ông Nam nói.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Chính phủ đã đưa ra cam kết bảo vệ an ninh, an toàn cho nhà đầu tư và đã có chỉ đạo rất quyết liệt trong hỗ trợ DN, nhưng quá trình thực hiện còn một số khúc mắc. Những phản hồi của nhà đầu tư trong cuộc gặp mặt hôm nay sẽ được lắng nghe và tháo gỡ sớm nhất để giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng như tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.