(HNM) - Hiện nay, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đẩy mạnh xây dựng điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tuy nhiên, việc triển khai còn một số khó khăn do vốn đầu tư lớn, rủi ro cao… cần sớm được các ngành chức năng, địa phương tháo gỡ.
Để hình thành các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 về “Một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội”. UBND thành phố cũng đã có Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 về phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo quy hoạch, thành phố có 8 cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp; 8 cơ sở tập trung; 13 cơ sở tập trung quy mô nhỏ... Thực tế, đến nay, toàn thành phố mới có 2/8 cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm tập trung đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động tại huyện Chương Mỹ; còn lại 6/8 cơ sở đang trong quá trình mời gọi đầu tư tại các huyện: Đan Phượng, Mê Linh, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín. Đối với cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ mới triển khai được 1 điểm tại huyện Chương Mỹ; còn lại 12/13 điểm cũng đang trong quá trình mời gọi nhà đầu tư.
Về những khó khăn trong quá trình triển khai các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, từ năm 2016, huyện đã hoàn thành xây dựng các hạng mục gồm: San lấp mặt bằng, xây tường bao, đổ bê tông sân, làm đường nội bộ, bãi đỗ xe… của Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh với diện tích 42.749m2. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn "giẫm chân tại chỗ" vì chưa hoàn thành công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và mời gọi nhà đầu tư.
Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, hiện nay, các địa phương đều gặp khó khăn trong thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm vì thủ tục, quy trình triển khai xây dựng dự án đầu tư cơ sở giết mổ còn phức tạp, liên quan tới nhiều lĩnh vực (đất đai, môi trường…). Mặt khác, vốn đầu tư cho cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khá lớn nên các doanh nghiệp gặp khó khăn khi huy động vốn ban đầu...
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) đề nghị các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không bảo đảm chất lượng trên thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh; hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí xây dựng hệ thống xử lý môi trường... Đây cũng chính là giải pháp góp phần cho điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hoạt động hiệu quả, góp phần bảo đảm tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tập trung tháo gỡ, giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư trong quá trình xây dựng dự án giết mổ gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm tiến độ đề ra. Cùng với đó là tiếp tục rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung điểm quy hoạch giết mổ tập trung gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm cho phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.