(HNM) - Hạ tầng cảng hàng không (CHK) chưa theo kịp tốc độ khai thác chính là
Phát triển hạ tầng cảng hàng không là một trong những bước quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tốc độ khai thác. Ảnh: Nhật Nam |
Quá tải
Sự phát triển mạnh của vận tải hàng không thời gian qua đã khiến hầu hết CHK, sân bay lớn trên cả nước lâm vào tình trạng quá tải về hạ tầng, điển hình là CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhất đang quá tải từ bến đậu máy bay đến đường lăn, nhà ga... Cụ thể, sân bay hiện chỉ có 41 bến đậu cho các loại máy bay, trong khi mỗi ngày có trên 500 lần/chuyến.
Theo dự báo của Tổng công ty CHK Việt Nam, đến năm 2016 lượng hành khách đi máy bay thông qua Sân bay quốc tế Đà Nẵng ước đạt 6 triệu lượt, năm 2030 là khoảng 16-20 triệu lượt. Trong khi đó, nhà ga hành khách Sân bay Đà Nẵng hiện tại có công suất phục vụ tối đa 6 triệu khách/năm. Bên cạnh đó, vị trí đỗ máy bay và năng lực tiếp nhận còn hạn chế cũng khiến cho chất lượng phục vụ bị ảnh hưởng.
Với Sân bay Điện Biên, cơ sở hạ tầng mới chỉ đáp ứng yêu cầu khai thác máy bay ATR72 và tương đương trở xuống. Do vậy, Sân bay Điện Biên chỉ có thể khai thác các chặng bay ngắn như Hà Nội - Điện Biên mà không thể mở các đường bay tầm trung trở lên như Đà Nẵng - Điện Biên, TP Hồ Chí Minh - Điện Biên. Hiện, mới chỉ có Vietnam Airlines đầu tư máy bay ATR72 khai thác tuyến bay Điện Biên - Hà Nội với tần suất hai chuyến/ngày. Trong khi đó, theo kế hoạch phát triển của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, từ nay đến năm 2030 tập trung vào các loại tàu bay A320 trở lên và kết cấu hạ tầng Sân bay Điện Biên hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu khai thác trong những năm tới. Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thừa nhận, đây là khó khăn rất lớn của địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giao thương…
Khó khăn của Điện Biên cũng là khó khăn của không ít địa phương khác đang có sân bay nhưng hạ tầng không theo kịp tốc độ khai thác của các hãng hàng không. Theo Vietnam Airlines, hạn chế về hạ tầng đã gây ảnh hưởng lớn cho các hãng hàng không. Tình trạng tắc nghẽn cả trên không và mặt đất, cộng với hệ thống dự báo khí tượng tại các CHK, sân bay còn lạc hậu đã khiến cho chi phí của Vietnam Airlines bị đội lên nhiều. Hãng đã cố gắng để giảm tỷ lệ chuyến bay phải đi sân bay dự bị do thời tiết diễn biến bất thường bằng cách dự báo chuẩn xác nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyến bay phải đi sân bay dự bị có chiều hướng tăng so với năm trước.
Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng
Nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn" cho phát triển hàng không, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines kiến nghị: Cần sớm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng CHK, sân bay đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường, trong đó ưu tiên rà soát, đánh giá và bảo đảm khả năng khai thác cho các loại tàu bay từ A321 trở lên; nâng cấp sức chịu tải của đường băng, đường lăn, sân đỗ, trang thiết bị tương thích với tính năng máy bay thế hệ mới, tăng số lượng vị trí đỗ tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh phù hợp với sự phát triển đội bay của các hãng. Cùng với đó, cần sớm đầu tư và triển khai hệ thống phân luồng không lưu hiện đại theo kịp công nghệ quốc tế; nâng cấp hệ thống dự báo khí tượng theo công nghệ tiên tiến; bảo đảm tiến độ các dự án cải tạo, nâng cấp một số sân bay đang triển khai…
Tại cuộc họp gần đây với các cơ quan, đơn vị liên quan, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát lại các vướng mắc trong đầu tư CHK, sân bay tại các dự án đang triển khai để kịp thời gỡ "điểm nghẽn" về hạ tầng, đặc biệt là tại các sân bay chủ chốt, quan trọng nhằm bảo đảm tối đa hoạt động bay, giảm chi phí, tăng hiệu quả cho DN.
Vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ GT-VT cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK Điện Biên giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030. Theo đó, đường cất hạ cánh sẽ được xoay trục so với đường cất hạ cánh hiện tại 15 độ về phía tây, kéo dài thêm để có thể khai thác các loại tàu bay A320/321 và tương đương trở lên. Một số sân bay cũng đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cục bộ một số hạng mục. Đầu tháng 10-2015, Cục đã công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết 2 CHK trọng điểm là Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Tân Sơn Nhất là CHK lớn nhất trong mạng lưới CHK, sân bay toàn quốc hiện nay; Đà Nẵng là CHK lớn nhất, đóng vai trò là trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hóa tại khu vực miền Trung và là cửa ngõ giao lưu với quốc tế bằng đường hàng không lớn nhất khu vực miền Trung.
Được biết, dự án sửa chữa, cải tạo và mở rộng sân đỗ máy bay CHK quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 695 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 2-2016 nhằm bảo đảm khai thác hiệu quả hơn nữa các loại máy bay thân rộng của hàng không dân dụng. Trong khi đó, dự án nâng cấp CHK quốc tế Cát Bi lên cấp 4E do UBND TP Hải Phòng làm chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016. Với đường cất hạ cánh dài 3.050m, sân bay này cho phép bất kỳ máy bay dân dụng nào trên thế giới cất - hạ cánh, có thể vận chuyển 800 hành khách/giờ cao điểm; vận chuyển 20.000 tấn hàng hóa/năm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.