(HNM) - Với đặc thù là một đô thị có tốc độ đô thị hóa rất cao, nhưng thành phố Hồ Chí Minh lại vướng điểm yếu “cố hữu” là khâu giải phóng mặt bằng tại phần lớn dự án phát triển đô thị.
“Giậm chân...” vì không có mặt bằng
Dự án đường Vành đai 2 qua thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 64km, sau hơn 10 năm thực hiện vẫn chưa khép kín khi còn khoảng 13km nữa chưa hoàn thành. Nguyên nhân là do bị vướng trong khâu giải phóng mặt bằng. Ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái, chủ đầu tư đoạn kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 (quận Thủ Đức) cho biết, đoạn này chỉ dài 2,75km nhưng còn 208 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Trong khi đó, dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 97km đi qua thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An dù đã khởi động từ năm 2011 nhưng đến nay đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh chưa xây dựng được một mét đường nào do chưa có mặt bằng để thi công. Những dự án hạ tầng có quy mô nhỏ hơn cũng không nằm ngoài vướng mắc trên. Đơn cử, dự án cầu Nam Lý (quận 9) dù đã được khởi công từ tháng 10-2016 nhưng đến nay mới thi công đạt 37,5% khối lượng dự án. Hiện dự án đang bị chậm tiến độ do 67 hộ trên địa bàn quận 2 và quận 9 chưa bàn giao mặt bằng.
Đối với các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, câu chuyện giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề rất nan giải. Tại dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), dù đã qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư nhưng dự án vẫn bị “treo” 26 năm, mà một trong những nguyên nhân chính là ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Nói về dự án này, khi lý giải vì sao nhiều nhà đầu tư nước ngoài rút lui, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Việc đầu tiên mà các nhà đầu tư nước ngoài muốn trả lời rõ ràng là bao giờ giao đất? Nhưng thực tế, câu hỏi này rất khó trả lời được bởi không thể xác định chính xác khi nào giải phóng xong mặt bằng".
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm giải phóng mặt bằng để thu hồi đất đối với dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa là người dân và chủ đầu tư không thống nhất về giá bồi thường. Bà Nguyễn Thị Chanh (ngụ phường 28, quận Bình Thạnh, bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa) cho biết, đa phần người dân không đồng ý di dời là do giá bồi thường chủ đầu tư đưa ra thấp hơn giá thị trường. Nhiều hộ cũng lo ngại với mức giá đền bù thấp sẽ không mua được nhà ở mới.
Thống nhất đơn giá bồi thường
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án có sử dụng đất trên địa bàn còn chậm, có nơi chưa được người dân đồng thuận chủ yếu do giá đất đền bù thấp hơn giá thị trường. Tại huyện Hóc Môn, nhiều dự án đầu tư công giải ngân dưới 50% đều liên quan đến giải phóng mặt bằng. Đối với các quận có dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua như quận 1, quận 3, quận Tân Bình, quận 12… chủ đầu tư không thể giải phóng được mặt bằng do chưa thống nhất được đơn giá bồi thường.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng chủ yếu nằm ở đơn giá để tính giá bồi thường. Đơn cử, tại dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), chủ đầu tư đã có hàng chục cuộc họp với các quận, huyện nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xác định đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chất lượng đội ngũ nhân lực thẩm định giá rất quan trọng trong việc xác định đơn giá bồi thường.
Tại buổi làm việc mới đây với Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hằng năm để làm cơ sở xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ban đầu đưa ra lấy ý kiến của người dân. Nếu các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đồng ý, giá này sẽ là cơ sở để ban hành quyết định thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với những hộ chưa đồng ý, các cơ quan chuyên môn sẽ khảo sát về giá đất cụ thể tại thời điểm thu hồi đất để tính bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, theo ông Trần Vĩnh Tuyến, thành phố đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ quy trình thí điểm rút ngắn thời gian thu hồi và giao đất cho nhà đầu tư. Nếu được thông qua, thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất sẽ được rút ngắn từ 420 ngày xuống còn hơn 100 ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.