(HNM) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Vấn đề này cũng được người đứng đầu Chính phủ khẳng định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ năm của Ủy ban quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ diễn ra sáng qua (25-2).
Theo đó, qua 1 năm thực hiện, Đề án 06 đã mang lại những kết quả tích cực, làm tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ cho các năm tiếp theo. Cụ thể là đã tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số "điểm nghẽn". Rõ nhất là vấn đề đã có quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, thay vào đó, cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Song trên thực tế việc này vẫn còn rất nhiều bất cập.
Phản ánh từ thực tiễn triển khai tại Hà Nội và nhiều địa phương khác cho thấy, thời gian qua, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy gặp vướng mắc nhiều nhất là khi công dân muốn làm thủ tục đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân và thủ tục đất đai, tuy nhiên, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lại hiển thị “dữ liệu không đủ”, “dữ liệu sai”, “dữ liệu chưa có”. Giải pháp tạm thời của cấp phường là đề nghị công dân liên hệ cơ quan công an để xác minh và giải quyết… Đáng tiếc là, thời gian giải quyết lại dài hơn nhiều so với quy trình trước đây.
Tất nhiên, với một chính sách mới, tác động đến toàn bộ công dân cả nước và cơ sở dữ liệu kèm theo của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì việc “chạy tốt” trong khoảng thời gian ngắn là không dễ. Vì thế, trong Chỉ thị số 05/CT-TTg, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, chỉ đạo cụ thể các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân xuất trình, nộp sổ hộ khẩu. Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia trình Chính phủ chậm nhất trong tháng 4-2023. Khẩn trương tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình liên quan đến cư trú trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ưu tiên các dịch vụ công về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xác nhận thông tin cư trú. Thời gian hoàn thành trong tháng 6-2023.
Một vấn đề quan trọng khác là, trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý cần làm tốt công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bởi tình trạng lộ dữ liệu cá nhân vẫn đang diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Vì thế, việc sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết, không chỉ cho mỗi cá nhân mà còn liên quan đến an ninh quốc gia.
Đối với UBND cấp phường, cần tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân cài ứng dụng VneID, đồng thời cập nhật thông tin từng cư dân lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đặc biệt, với mỗi công dân, khi có thay đổi về cư trú, cần chủ động cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu theo tài khoản được cấp để thuận tiện hơn khi tra cứu, giải quyết thủ tục hành chính.
Việc sớm tháo gỡ những “điểm nghẽn” trên sẽ góp phần đưa Việt Nam có bước tiến nhanh trên con đường xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.