(HNM) - Chính sách, pháp luật về đầu tư và phát triển đô thị còn nhiều tồn tại, hạn chế; công tác quy hoạch thiếu đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đây là “điểm nghẽn” khiến việc chỉnh trang đô thị, nhất là khu vực các quận nội đô Hà Nội gặp không ít khó khăn. Các chuyên gia quy hoạch đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, tháo gỡ những “điểm nghẽn” này...
Bất cập từ thực tiễn
Khu vực các quận nội đô Hà Nội như Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đang tồn tại nhiều khu dân cư có mật độ xây dựng rất cao, khiến không gian sống bị đóng kín, chật chội. Điều kiện nhà ở không đạt chuẩn cùng với sự thiếu hụt những công trình công cộng, dịch vụ xã hội đã tác động không nhỏ đến chất lượng sống của người dân. Theo PGS.TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, những bất cập này khó thay đổi, nhất là tình trạng quá tải do sự phát triển “nóng” của các chung cư cao tầng, dẫn đến mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất.
“Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực nội đô lịch sử có dân số tính toán là 800.000 người, tổng diện tích khoảng trên 3.800ha, với chỉ tiêu đất đô thị 100m2/người. Tuy nhiên, hiện nay chỉ tiêu này mới đạt được khoảng 45m2/người. Dân số nội đô lên tới hơn 1,3 triệu người. Tình trạng gia tăng dân số cũng dẫn đến mất cân bằng về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xã hội”, PGS.TS Trần Ngọc Chính nêu.
Thực tế cũng cho thấy, cùng với quá trình thực hiện một số dự án cải tạo, mở rộng hai bên tuyến đường đi qua 4 quận trung tâm như đường Vành đai 1, Vành đai 2… nhiều công trình nhà ở mọc lên mà không có sự thống nhất trong tổ chức không gian, khoảng lùi, kiến trúc, sử dụng vật liệu, trang trí mặt ngoài… làm mất mỹ quan đô thị. Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị theo hướng phát triển kiến trúc cảnh quan xanh, văn minh, hiện đại cũng chưa đạt yêu cầu.
PGS.TS Trần Ngọc Chính cho rằng, các chính sách liên quan đến cải tạo, tái thiết, chỉnh trang đô thị vẫn còn tồn tại, hạn chế, thiếu đồng bộ, chồng chéo, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, bao gồm cả phát triển những khu đô thị mới và khu vực đô thị cũ hiện hữu. Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ và tầm nhìn dài hạn; quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, đã ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư.
Giải pháp cho những “điểm nghẽn”
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, “Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng” vừa được UBND thành phố Hà Nội ban hành đã tạo căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Việc có một quy chuẩn riêng cho khu vực đặc thù này sẽ giúp cho công tác cải tạo, tái thiết, chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô có tính khả thi hơn.
Bàn về hướng phát triển cụ thể, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, phát triển đô thị phải bao gồm cả những khu đô thị mới đi đôi với chỉnh trang tái thiết, tái phát triển khu vực đô thị cũ hiện hữu. Từ bài học kinh nghiệm của một số thành phố trên thế giới và của Việt Nam cho thấy, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô lịch sử cần phải đi cùng với việc bảo tồn di sản, giữ gìn, tôn tạo và lưu giữ giá trị kiến trúc, quỹ kiến trúc công trình; gia tăng giá trị cảnh quan, tạo trật tự, kỷ cương trong hình thái kiến trúc đô thị, trong cách sử dụng công trình đô thị, trong cơ chế gìn giữ môi trường, bảo quản, bảo dưỡng công trình và không gian đô thị.
Giãn dân phố cổ là một trong những giải pháp quan trọng, tạo tiền đề cho việc chỉnh trang, tái thiết đô thị vùng lõi. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long thông tin, quận đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt bảo tồn khu phố cổ. Hiện quận đã rà soát xong toàn bộ đề án giãn dân phố cổ, gồm 2 dự án đầu đi, đầu đến và đang xin ý kiến các sở, ngành để báo cáo thành phố các nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian tới.
Cùng với giãn dân, theo PGS.TS Trần Ngọc Chính, việc phát triển các chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4 kết hợp với những đô thị vệ tinh trong tương lai sẽ dần thu hút dân cư dịch chuyển, giúp kiểm soát được quy mô dân số theo đúng quy hoạch được duyệt. Ngoài ra, thành phố cần tiếp tục xây dựng và triển khai quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị sau quy hoạch phân khu để phục vụ công tác kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phố cổ, phố cũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.