An toàn thực phẩm

Thanh Trì siết chặt quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm

Ngọc Quỳnh 15/06/2024 - 07:06

Nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người dân, huyện Thanh Trì đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn để nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh, trực tiếp sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

doan-kiem-tra-lien-nganh-cu.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Công ty cổ phần Davicorp Việt Nam (huyện Thanh Trì). Ảnh: Phương Xuyến

Tuyên truyền đi đôi với xử lý vi phạm

Phòng Giáo dục và Đào tạo vừa phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì tổ chức 3 lớp truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho gần 400 cô nuôi, người trực tiếp sơ chế, chế biến thực phẩm, chủ các nhóm lớp mầm non độc lập trên địa bàn huyện.

Tại đây, các học viên được cán bộ Trung tâm Y tế huyện tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại trường học; cách lựa chọn, bảo quản một số loại thực phẩm thông thường. Các lớp tập huấn đã giúp học viên nắm vững kiến thức, kỹ năng xử lý khi xảy ra tình huống liên quan đến an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe học sinh.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, để nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm chất lượng nông, lâm, thủy sản cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các xã, thị trấn; Phòng Kinh tế huyện đã tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản cho hơn 100 người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông, lâm, thủy sản thuộc các xã: Thanh Liệt, Ngọc Hồi, Tân Triều, Đại Áng, Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh và thị trấn Văn Điển. Tại buổi tập huấn, các chủ cơ sở được tuyên truyền, hướng dẫn về những điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; các chính sách, pháp luật của trung ương và thành phố Hà Nội; lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Còn theo Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung, từ đầu năm 2024 đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, với nội dung phong phú. Đặc biệt, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, huyện đã mở 7 lớp tập huấn với 1.180 người là thành viên Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện, xã, thị trấn, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cán bộ, giáo viên, cô nuôi, học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện tham gia. Chỉ đạo 19/19 chợ có kinh doanh thực phẩm thực hiện tuyên truyền về các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm...

Cùng với công tác tuyên truyền, huyện còn tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể trên địa bàn. Hiện tại, toàn huyện có 6.874 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Thanh Trì đã thành lập 64 đoàn kiểm tra liên ngành, 6 đoàn kiểm tra tuyến huyện, 58 đoàn kiểm tra tuyến xã. Các đoàn đã kiểm tra, giám sát được 1.111 cơ sở; trong đó có 150 cơ sở tuyến huyện, 961 cơ sở tuyến xã.

Qua kiểm tra thực tế, về cơ bản, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều chấp hành các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số cơ sở vi phạm quy định, như người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm... Đã có 33 cơ sở bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 177 triệu đồng; hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy trị giá 75,59 triệu đồng.

Tăng cường giám sát cộng đồng

Để khắc phục khó khăn, đưa công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm bán tại các chợ đầu mối; đồng loạt ra quân kiểm tra trong các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm, như: Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra tuyến huyện, xã, thị trấn cần lựa chọn thời điểm phù hợp, xử lý kiên quyết với những vi phạm; các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm sẽ bị thông báo trên trang thông tin điện tử của huyện.

Cùng với đó, các đoàn kiểm tra tiếp tục giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, hậu kiểm, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, chú trọng tại các chợ, hệ thống phân phối, làng nghề. Công tác giải quyết thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm cũng được triển khai hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời, huyện cùng các xã, thị trấn thực hiện tốt những chương trình phối hợp của Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, vận động và giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở địa phương trong phạm vi quản lý; không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, thời gian tới, huyện Thanh Trì cần tiếp tục tăng cường truyền thông, phổ biến kế hoạch công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tăng cường giám sát cộng đồng, phát hiện các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm để có biện pháp xử lý kịp thời; đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố và các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Trì siết chặt quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.