(HNM) - Bộ Tư pháp đang tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực ở nhiều tỉnh, thành phố. Kết quả bước đầu trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tuy không phát hiện tiêu cực trong thu lệ phí tại nhiều phường, xã nhưng hiện tượng cán bộ không hiểu luật,
Không phát hiện tiêu cực trong thu lệ phí
Theo Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Hà Kế Vinh, tại hầu hết các đơn vị, địa phương được thanh tra, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, chứng thực cơ bản đã bảo đảm đúng pháp luật, đáp ứng tốt nhu cầu đăng ký các sự kiện hộ tịch, chứng thực của nhân dân. Bước đầu, tại Hà Nội, qua rà soát ở 41 UBND xã, phường, thị trấn thuộc 18 quận, huyện không có tình trạng tiêu cực trong thu lệ phí. Các trường hợp thắc mắc của công dân được lãnh đạo UBND cấp xã và cán bộ tư pháp hộ tịch giải thích, hướng dẫn rõ ràng, kịp thời nên không để xảy ra khiếu nại, tố cáo. Thế nhưng, lại có nhiều sai sót trong quá trình thụ lý, giải quyết hồ sơ. Điển hình là 15/18 UBND cấp quận được thanh tra chưa viện dẫn đầy đủ các căn cứ pháp lý khi ban hành quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc. Trong thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, có 10/41 UBND cấp xã thiếu chữ ký của người cha hoặc người mẹ trong tờ khai đăng ký khai sinh. Cá biệt có UBND cấp xã khi thực hiện đăng ký khai sinh không lưu tờ khai đăng ký khai trong hồ sơ đăng ký khai sinh. Về lưu trữ hồ sơ, giấy tờ hộ tịch, 11/41 UBND cấp xã trong quá trình giải quyết các việc hộ tịch, không lưu các phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…
Có những bất cập trên, phần lớn là do cán bộ thực thi công vụ chưa nắm rõ quy định hiện hành. Thế nhưng, cũng có nơi tự "đẻ" ra quy định mới để tiện cho công tác quản lý. Tiêu biểu là UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) khi giải quyết các thủ tục đăng ký kết hôn cho công dân yêu cầu phải xin xác nhận của tổ dân phố về tình trạng hôn nhân vào mặt sau của tờ khai đăng ký kết hôn. Một phường khác cũng thuộc quận Thanh Xuân là Thanh Xuân Bắc khi giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn cho công dân còn yêu cầu công dân về nơi cư trú trước đây để xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà không cho công dân cam đoan theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, Thông tư số 01/2008/TT-BTP, Thông tư số 08/2010/TT-BTP.
Đoàn Thanh tra cũng phát hiện UBND xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) chỉ thực hiện đăng ký kết hôn cho công dân tại địa phương vào thứ năm hằng tuần nên một số hồ sơ đăng ký kết hôn giải quyết chậm so với thời hạn luật định. UBND các quận Thanh Xuân, Tây Hồ từ chối cấp bản chính giấy đăng ký khai sinh thiếu căn cứ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi công dân…
Có cả lỗi của chính sách
Để chấn chỉnh tình trạng này, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương, thời gian tới Sở Tư pháp TP Hà Nội sẽ nêu cụ thể chi tiết sai sót của từng quận, huyện, xã, phường, thị trấn được thanh tra và gửi tới tất cả 29 quận, huyện để cùng chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Bởi đây đều là những lỗi không đáng có nhưng cán bộ tư pháp hộ tịch cơ sở vẫn mắc phải. Thế nhưng, theo phản ánh của một số nơi vừa được thanh tra thì sai phạm trong giải quyết hồ sơ hộ tịch còn bắt nguồn từ cơ chế chính sách về hộ tịch chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ. Thế nên, việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch vào thực tiễn chưa có sự thống nhất, dẫn đến việc giải quyết các vấn đề về đăng ký, quản lý hộ tịch còn nhiều lúng túng, sai sót. Đơn cử, Thông tư 01/2008/TT-BTP về thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch nêu "Đối với những người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên mà trong các hồ sơ, giấy tờ đã ghi thống nhất về ngày, tháng sinh, thì xác định theo ngày, tháng sinh đó. Trường hợp ngày, tháng sinh ghi trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất, thì xác định theo ngày, tháng sinh trong hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên". Nhưng giấy tờ lập đầu tiên là gì thông tư lại không giải thích rõ nên không ít công chức tham mưu giải quyết các vấn đề về hộ tịch từ cấp xã đến cấp huyện (nhất là cấp xã) cho rằng những giấy tờ như Thẻ căn cước thời Mỹ ngụy, Giấy chứng nhận thương binh do cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây là loại "giấy tờ được lập đầu tiên". Tuy nhiên, có nơi lại chỉ dùng hai loại giấy tờ trên để tham khảo, củng cố hồ sơ và coi giấy chứng nhận Gia đình Liệt sĩ, các giấy tờ liên quan của cá nhân về hưởng chế độ chính sách của Nhà nước ta mới là "giấy tờ được lập đầu tiên" để làm căn cứ giải quyết các vấn đề về hộ tịch cho cá nhân...
Bất cập trên cho thấy, để khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại địa phương, ngoài biện pháp tăng cường thanh, kiểm tra, cần quan tâm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách về hộ tịch gắn với bồi dưỡng, tập huấn cán bộ thực thi công vụ để tránh tối đa tình trạng vận dụng tùy nghi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.