Thể thao

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam: Chứng thực trình độ ở tốp đầu

Ngân Vũ 25/12/2023 - 06:16

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vừa trải qua một năm bận rộn với nhiều giải đấu quốc tế quan trọng và nhịp độ thi đấu khẩn trương hiếm thấy.

Chính tầm vóc của nhiều giải đấu quốc tế mà đội tham dự với kết quả thi đấu ấn tượng đã cho thấy khả năng vươn lên của bóng chuyền nữ Việt Nam. Cho dù việc duy trì thành tích và vị trí trên bảng xếp hạng châu Á cũng như thế giới là không dễ dàng thì những trải nghiệm đáng giá trong năm qua chắc chắn sẽ giúp các cô gái Việt Nam tự tin hơn khi bước ra thế giới.

bong-chuyen.jpg
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có thành tích thi đấu ấn tượng tại Giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2023. Ảnh: AVC

Trải nghiệm cần thiết để vươn tầm

Năm 2023, đội tuyển không chỉ được trải nghiệm cảm giác thi đấu liên tục tại các giải đấu quốc tế, mà còn nếm trải cảm xúc tự hào khi có được một số trận thắng ấn tượng trước đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ mạnh của nước ngoài.

Giai đoạn căng thẳng nhất diễn ra từ tháng 4 đến tháng 8, các vận động viên (VĐV) Việt Nam đã phải tham gia một loạt giải đấu quốc tế quan trọng, bao gồm SEA Games 2023 (Campuchia), Giải vô địch bóng chuyền nữ Đông Nam Á (SEA V.League, gồm hai chặng - tại Việt Nam và Thái Lan), Cúp bóng chuyền các câu lạc bộ nữ châu Á...

Sang tháng 9, đội tiếp tục dự Giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á tại Thái Lan (gồm 2 vòng), thi đấu với những đối thủ rất mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc..., rồi tham dự ASIAD 19 (tại Trung Quốc). Năm thi đấu bận rộn chỉ kết thúc với đội tuyển sau 2 trận đấu trong khuôn khổ Giải vô địch các câu lạc bộ bóng chuyền nữ thế giới (tháng 12, tại Trung Quốc).

Một năm thi đấu căng thẳng nhưng mang lại lợi ích đáng kể về nhiều mặt cho bóng chuyền nữ Việt Nam. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, đội tuyển có cảm giác thắng được đối thủ chứ không còn tâm lý “ngợp toàn diện” trước các tay đập Thái Lan, những người đã làm mưa làm gió trong làng bóng chuyền nữ Đông Nam Á trong gần 30 năm qua và trở thành cái tên quen thuộc tại nhiều giải đấu bóng chuyền nữ hàng đầu thế giới.

Việc liên tục được thi đấu với các đội tuyển hàng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, hay các câu lạc bộ thuộc các nền bóng chuyền rất mạnh như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản... đã giúp các VĐV Việt Nam dần trưởng thành về tâm lý thi đấu và trình độ chuyên môn, thêm tự tin khi bước ra thế giới.

Cũng phải nói thêm rằng, chính vì thường xuyên thi đấu tại các giải quốc tế với sự góp mặt của các đội bóng hàng đầu mà nhiều tuyển thủ bóng chuyền nữ Việt Nam đã được câu lạc bộ nước ngoài mời ký hợp đồng thi đấu.

Ngoài phụ công Trà Giang đã kết thúc hợp đồng ngắn hạn tại Thái Lan, chủ công Thanh Thúy đang thi đấu ở Nhật Bản thì mới đây, đối chuyền Kiều Trinh và chuyền hai Lâm Oanh đã được xác nhận chuyển tới Thái Lan thi đấu... Đó là môi trường tốt để đội tuyển có thêm những VĐV dày dặn kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu quốc tế.

Đứng chân ở tốp đầu châu lục

Xét về thành tích cụ thể thì tại Giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á năm 2023, đội tuyển xếp hạng 4, vượt qua một số đội nhỉnh hơn chúng ta như Hàn Quốc, Kazakhstan. Tuy vậy, trong thực tế, dù đã có một năm thi đấu đầy hứng khởi nhưng thực lực của bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn kém so với Hàn Quốc.

Các cô gái Việt Nam đã có trận thắng với tỷ số 3-2 trước đội tuyển xứ Kim chi tại Giải vô địch châu Á, nhưng đó là trận thắng hết sức khó khăn, “ngoài dự đoán”, trong bối cảnh đội bạn đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ và một số người chịu áp lực vì “dính” scandal.

Việc duy trì thành tích thi đấu quốc tế như đã đạt được trong năm 2023 không phải là điều dễ dàng. Theo HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, đội tuyển may mắn khi có được một dàn VĐV tài năng, được tạo điều kiện để thi đấu quốc tế liên tục, qua đó trưởng thành. Đó là yếu tố quan trọng giúp đội tuyển thi đấu tốt trong năm nay.

Tuy vậy, nhìn nhận một cách khách quan thì ngay cả "đội hình chiến thắng" hiện tại cũng có khá nhiều điểm hạn chế, dễ thấy nhất là phong độ thiếu ổn định của một số vị trí chính thức đã khiến các mảng miếng chiến thuật không được triển khai tốt. Chuyền hai còn hạn chế, bước một thường lúng túng, đội tuyển nhiều khi mất điểm đáng tiếc.

Sự thiếu ổn định ở trình độ cao, nhất là ở vị trí chuyền hai, còn khiến các chủ công chủ lực như Thanh Thúy nhanh mất sức vì bị dồn bóng quá nhiều, đối thủ cũng dễ “bắt bài”.

Hơn nữa, dù đã thấy một số gương mặt trẻ khá ấn tượng xuất hiện trong thời gian gần đây, như Phương Thùy, Như Quỳnh (chủ công), Trà My (đối chuyền)..., nhưng so với các đội tuyển hàng đầu châu lục thì số VĐV trẻ đủ sức lên tuyển không nhiều.

Những yếu tố thuận lợi và cả sự may mắn không phải lúc nào cũng xuất hiện để đội liên tục tạo ra kỳ tích. Bởi thế, việc giữ vững vị trí trong tốp đầu châu lục phụ thuộc rất nhiều vào sự hình thành nền tảng vững vàng.

Một giải vô địch quốc gia rõ tính chuyên nghiệp, công tác đào tạo trẻ được quan tâm đầu tư thường xuyên, tận dụng tốt sức hút của đội tuyển trong vài năm gần đây để đẩy mạnh công tác xã hội hóa..., đó chính là những yếu tố cần thiết để bóng chuyền nữ nói riêng và bóng chuyền Việt Nam nói chung phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách vốn đang còn quá xa so với Trung Quốc, Nhật Bản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam: Chứng thực trình độ ở tốp đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.