Kinh tế

Thanh toán QR phổ biến, đi kèm nhiều rủi ro

Châu Anh 13/06/2024 - 09:54

Thống kê qua hệ thống chấp nhận thanh toán của Payoo cho thấy, thanh toán QR qua Payoo đã tăng trưởng trung bình 3 lần/năm trong vòng ba năm qua. Tuy nhiên, cùng với đó đi kèm không ít rủi ro đòi hỏi người dùng và đơn vị cung cấp phải cẩn trọng…

nguoi-dan-chon-thanh-toan-ma-qr-khi-mua-sam-1-.jpg
Người dân lựa chọn thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biến. Ảnh: TH.

Tỷ trọng thanh toán QR trong các hình thức thanh toán ở nhiều lĩnh vực vượt hơn 30%. Trong đó, tốp 5 lĩnh vực có số lượng giao dịch QR nhiều nhất lần lượt là: Dịch vụ ăn uống; siêu thị và cửa hàng tiện lợi; thời trang, mỹ phẩm; giải trí (vé xem phim, xem kịch, âm nhạc…); nội thất và đồ dùng gia đình, cửa hàng bán lẻ khác.

Do vậy, cũng là dễ hiểu khi các đơn vị đầu tư đẩy mạnh việc phát triển QR code. Các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán cũng cho ra mắt nhiều giải pháp ứng dụng thanh toán QR tiện lợi không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn mà thích hợp với cả hộ kinh doanh nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, thanh toán qua QR càng phát triển thì các hình thức lừa đảo dựa trên hình thức thanh toán này càng gia tăng.

Có thể ví dụ, các trường hợp QR của cửa hàng bị dán đè xảy ra ở một vài nơi, khiến người mua không để ý quét QR giả mạo và chuyển vào sai tài khoản, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Một hình thức gian lận phổ biến khác là giả hình ảnh đã thanh toán thành công, người bán không kịp kiểm tra lại đã giao hàng cho khách. Hoặc để kiểm tra, khách phải đợi nhân viên mở điện thoại, vào ứng dụng ngân hàng kiểm tra tiền vào tài khoản mới giao hàng; trong trường hợp cùng lúc hai hoặc ba khách hàng thanh toán, nhân viên sẽ bối rối và mất thời gian để xác định xem số tiền nào là của ai…

Là đơn vị fintech trong hệ sinh thái thanh toán, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, an ninh bảo mật, Payoo luôn làm việc trực tiếp với nhà bán hàng để mang đến những giải pháp chống lại việc dán đè bằng cách dùng các thiết bị điện tử xuất mã QR động khác nhau cho mỗi giao dịch, hoặc hiển thị mã QR ngay trên thiết bị thanh toán POS để khách hàng quét mã chính xác. Doanh nghiệp cần cân nhắc giữa việc chọn giải pháp rẻ tiền như in QR và dễ bị dán đè lên hay chọn lựa một giải pháp uy tín để bảo vệ mình và khách hàng.

Một giải pháp bảo đảm an toàn cho thanh toán, vào ngày 1-7 tới (theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước) quy định việc chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực giao dịch bằng sinh trắc học. Đây được coi là động thái kịp thời của Chính phủ nhằm ngăn chặn sử dụng các tài khoản không chính chủ để phục vụ các mục tiêu lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tiền, bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ mất tiền do các tội phạm lừa đảo gây ra.

Các ngân hàng và trung gian thanh toán hiện nay cũng đã liên tục gửi cảnh báo đến khách hàng, khuyến nghị người dùng phải nâng cao cảnh giác, đồng thời, sẵn sàng triển khai xác thực sinh trắc học từ ngày 1-7 nhằm bảo đảm an toàn, bảo vệ thông tin tài chính của người dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán QR phổ biến, đi kèm nhiều rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.