(HNM) - Tối nay 24-7, thêm một thần tượng âm nhạc Mỹ nữa (David Archuleta) sẽ biểu diễn ở Hà Nội. Sự kiện này được truyền thông đưa tin từ khá lâu trước đó, cộng thêm với sự xuất hiện đều hơn của nhiều nhóm nhạc, ca sĩ, thần tượng âm nhạc trẻ thế giới gần đây, nên chuyện không phải
Các nghệ sĩ đến nước ta biểu diễn, tăng cường giao lưu văn hóa, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khán giả trẻ… điều đó hoàn toàn tốt, nhưng tuyệt đối hóa các chương trình này liệu có nên ?
Còn nhớ đêm diễn duy nhất của những ca sĩ trẻ, thần tượng âm nhạc nhiều nước như Thanh Bùi, Alexandra Burke và David Cook tại Cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội), có thể thấy rất nhiều cung bậc của sự "hâm mộ". Báo mạng hết lời ngợi ca, thậm chí có trang còn ghi "chinh phục tuyệt đối khán giả". Công bằng mà nói, các nghệ sĩ đều hết lòng, cống hiến một cách chuyên nghiệp. Nhưng thực sự các khán đài kín chỗ… một cách quá chậm chạp. Có vẻ chương trình phải chờ công chúng hơn là người hâm mộ chờ buổi diễn. Chỉ trừ có nhóm fan được bố trí hai bên sân khấu mới ào lên từng đợt cổ vũ, còn khán giả trên các khán đài hầu như đều thư thái… ngồi im thưởng thức thứ âm nhạc sôi động này. Có một nữ khán giả trẻ, chắc lứa 8X, 9X một mình đung đưa cổ vũ, kêu gọi bạn bè hưởng ứng, song thấy lạc điệu nên đành ngồi xuống, bực bội: "Đi xem Rock mà cứ ngồi nguyên cả khán đài thế kia... thì thật mất hứng!". Thế rồi có người lác đác ra về, đến cổng, anh bảo vệ tủm tỉm: "Nhiệt tình đến và nhiệt tình ra về". Một khán giả thành thật: "Nó không dành cho mình, nó dành cho tụi trẻ thôi, mình nghe không vào".
Công bằng mà nói, sự giao lưu văn hóa đã đưa những nghệ sĩ nước ngoài với những phong cách âm nhạc khác nhau vào Việt Nam. Nhạc trẻ thế giới nhận được sự hưởng ứng của một bộ phận khán giả cũng là điều dễ hiểu khi tiết tấu ấy, phong cách ấy phù hợp với sự trẻ trung, cởi mở, năng động, đề cao cá nhân của giới trẻ… Sự giao lưu có chọn lọc cũng sẽ tạo cảm hứng sáng tác, lao động nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ trong nước. Nhưng mà, văn hóa cũng là sự khác biệt, không thể gượng ép mà thành. Những người đã ngấm trong mình một nền văn hóa làng quê yên ả, ngấm thứ âm nhạc - lời ru dịu dàng… dễ gì mà cảm được ngay một lối âm nhạc khác với âm thanh mạnh, không ngừng nhảy nhót, giao lưu với khán giả cuồng nhiệt. Ngay trong giới trẻ, lứa 8X, 7X… cũng có nhiều người không thể "cảm" được.
Không nói đến hay dở chỉ nói đến sự khác biệt, nếu không phù hợp, là người thưởng thức nên chăng ta phải thành thật với ta? Sự a dua, tuyệt đối hóa nghệ thuật đến từ nước ngoài (không riêng gì âm nhạc) chắc hẳn không phải là điều hay…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.