(HNM) - Cây bút nữ Phan Việt (1978) vừa cho ra mắt tập ký mới nhất của chị, mang tên
Không phải một cô gái trẻ lần đầu đi du lịch, cái gì cũng tươi mới, cũng không phải những trang du ký duyên dáng kiểu Ngô Thị Giáng Uyên, hay lãng mạn như Quế Mai, mà là sự giản dị trầm mặc kiểu Phan Việt. Dễ gặp lại trong "Một mình ở Châu Âu" giọng kể vừa như thản nhiên, tự trào, vừa có lúc day dứt, ám ảnh như trong tập truyện ngắn "Nước Mỹ, Nước Mỹ" của chị đã được bạn đọc biết tới từ năm 2009.
Những gì mà Phan Việt mang đến cho bạn đọc trong cuốn sách này là cái nhìn riêng của Việt về cuộc sống, con người ở Đức, Pháp, Italia nói riêng và thế giới nói chung. Chỗ này là những lát cắt, chỗ kia là chiều sâu suy tưởng về văn hóa. Trong đó, sự trầm mặc hòa quyện với chất phiêu du, cái tỉnh táo chiêm nghiệm đi cùng nét hài hước, dí dỏm. "Tại sao, giữa những người Paris trong quán ăn xa lạ này, tôi lại nhớ Hugo, Chopin, Verlaine như thể tôi đã từng ngồi ăn tối với họ ở đâu đó, trong những buổi tối Paris mùa thu?". Và, đứng trước một người đàn ông Pháp đòi đọc thơ cho nghe: "Quả thực tôi đã quá bất ngờ. Cái phần lãng mạn trong tôi thì lơ lửng trên mây; phần trẻ con thì cười khúc khích; cái phần của một phụ nữ Việt Nam lớn lên cùng những chương trình "kể chuyện cảnh giác" và các tối thứ bảy hằng tuần suốt những năm 1980 thì ngồi phắt dậy nghe ngóng… Các phần còn lại thì vẫn đang bất tỉnh nhân sự vì bất ngờ". Và, sau cùng, là một chuỗi tâm tưởng hình như chưa lúc nào thôi bám theo mỗi bước chân "một mình" trên khắp các ngả đường Châu Âu của Việt. Những tâm tưởng về một tình yêu đang đứng trước bước ngoặt, về cuộc sống gia đình… Thậm chí, tâm tưởng ấy len lỏi trong và qua những nhân vật mà Phan Việt gặp, như một cô gái Hàn Quốc tìm đến Paris để chờ đợi mối tình lớn của đời mình, hay như một người phụ nữ đã bước qua hôn nhân và nhìn lại…
Có lẽ, đó chính là sự khác biệt với rất nhiều cuốn du ký của chính Việt và của nhiều cây bút khác. Trong đó, lan tỏa "một hành trình nội tâm xuyên suốt, dai dẳng và không phải không đau đớn". Nhưng, mọi sự đều tự nhiên, như cuộc sống phải thế, những câu chuyện ấy không làm cho người ta mệt mỏi. Sự thành thật với chính mình là điều thuyết phục nhất. Vì vậy, kể cả khi những điều dưới đây Việt không cần nói ra thì bạn đọc vẫn có thể hiểu và cảm được. Rằng: "Những ngày tháng một mình ở Châu Âu làm cho tôi hiểu rằng tôi có thể hạnh phúc trở lại. Bất chấp những năm tháng qua, tôi vẫn còn có khả năng rung động, vẫn còn có thể nghe, nhìn và cảm thấy cuộc sống xung quanh, tôi còn chưa đóng băng như tôi tưởng… Sự thật là tôi sẽ không bao giờ có thể chối bỏ bản thân mình, không bao giờ có thể làm một ai khác…".
Phan Việt (sinh năm 1978), lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Chicago, hiện giảng dạy đại học tại Mỹ. Đã xuất bản tập truyện ngắn "Phù phiếm truyện": (2005, giải nhì cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần III); "Nước Mỹ, nước Mỹ" (2009); Tiểu thuyết "Tiếng người" (2008)… Ngoài viết văn, chị còn viết báo, dịch, hiệu đính và biên tập sách. Phan Việt cũng là đồng sáng lập Tủ sách Cánh cửa mở rộng với nhà toán học Ngô Bảo Châu và NXB Trẻ nhằm giới thiệu những sách hay tới bạn đọc Việt Nam. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.