Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành quả từ sự nỗ lực, cầu thị

Hồng Sơn| 23/03/2018 06:21

(HNM) - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 22-3, ghi nhận sự cải thiện rõ nét chất lượng điều hành của chính quyền các địa phương, trong đó TP Hà Nội tiếp tục trong nhóm 15 địa phương dẫn đầu.

.

Nhờ làm tốt công tác cải cách hành chính, chỉ số PCI của Hà Nội năm 2017 tăng một bậc so với năm 2016. Ảnh: Mạnh Hùng


Hà Nội trong nhóm 15 địa phương dẫn đầu

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 được "chắt lọc" từ việc điều tra, ghi nhận thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp dân doanh) và 1.800 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tỉnh Quảng Ninh đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng, với điểm số 70,7/100 điểm; tiếp theo là Đà Nẵng, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre. Ngược lại, các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Kon Tum, Lai Châu là những địa phương khu vực miền núi, vùng xa, đứng ở những vị trí cuối bảng xếp hạng.

TP Hà Nội được 64,712 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2016, đứng trong nhóm 15 địa phương dẫn đầu. Đây là kết quả của những nỗ lực liên tục, chủ động của thành phố trong cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp thời gian qua. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, việc Hà Nội cùng 4 thành phố trực thuộc trung ương đều giữ vững "phong độ", đạt kết quả tốt trong công tác điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp là tín hiệu rất phấn khởi, thể hiện sức bật, sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của các "đầu tàu kinh tế" trong việc đáp ứng yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.

Nhận xét về PCI năm 2017, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, các địa phương đã cải thiện rõ nét, ấn tượng chất lượng điều hành. "Chính quyền các tỉnh, thành phố đều chủ động vào cuộc, quyết tâm đẩy mạnh cải cách trên tinh thần vì doanh nghiệp. Nhiều khó khăn, vướng mắc của các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã được tháo gỡ kịp thời và triệt để. Đặc biệt, các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp, như sự minh bạch, nhất quán, dễ hiểu, dễ thực hiện và chi phí về thời gian, tài chính khi thực hiện quy định nhà nước... đều được cải thiện đáng kể" - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, sự cải thiện môi trường kinh doanh là xu hướng chủ đạo trong năm qua cho thấy, những chính sách quan trọng của Chính phủ, như Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hoặc Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trên diện rộng. Năm qua, số lượng đợt thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp đã giảm hẳn; niềm tin vào tương lai kinh doanh của doanh nghiệp dân doanh tiếp tục gia tăng đáng kể, ở mức cao nhất tính từ năm 2011. Thực tế, có đến 52% doanh nghiệp dân doanh và 60% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, sẽ mở rộng quy mô hoạt động trong 2 năm tới.

PCI là “thước đo” đánh giá tác động, hiệu quả của công tác điều hành, phát triển kinh tế của UBND các tỉnh, thành phố; là cảm nhận, tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền. PCI gồm 10 chỉ số thành phần chính, với 128 chỉ tiêu cụ thể. Đây là năm thứ 13 liên tiếp báo cáo PCI 2017 được công bố. Đến nay, đã có khoảng 120.000 doanh nghiệp (tức 1/5 tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) từng tham gia trả lời câu hỏi trong các cuộc điều tra hằng năm của VCCI.

Nhận diện hạn chế để khắc phục

Bên cạnh kết quả tích cực, báo cáo PCI đã chỉ ra những hạn chế cần khắc phục sớm. Đó là doanh nghiệp dân doanh còn thiếu "cánh chim đầu đàn" nên chưa vươn lên đạt tầm vóc khu vực và quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực yếu, chậm được cải thiện, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển lâu dài của mỗi đơn vị. Đặc biệt, dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhưng quy mô vốn và lao động lại nhỏ đi; trình độ và trang bị công nghệ sản xuất cũng chưa có sự đầu tư, bứt phá đáng kể... Do đó, doanh nghiệp chậm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tự đánh mất cơ hội khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Đáng lo ngại hơn, vẫn còn tới 59% doanh nghiệp (các năm trước là 66%) phải chấp nhận chi phí không chính thức; khoảng 70% doanh nghiệp phải chi phí để có thông tin chính xác từ phía cơ quan chức năng; hoặc vẫn còn tình trạng chậm nhận được trả lời chính thức từ chính quyền.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, những hạn chế trên cần được nhận diện, khắc phục sớm để kinh tế Việt Nam có thể nhanh chóng bứt phá, không bị rơi vào tụt hậu. Các địa phương không nên nặng nề về điểm số, thứ hạng mà thông qua PCI để nhận ra dư địa vươn lên, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để đạt kết quả tốt, tỉnh đã có một quá trình phấn đấu liên tục, với tinh thần cầu thị của cả hệ thống cơ quan công quyền, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu. Kinh nghiệm cho thấy, người đứng đầu cần tự giác “soi” lại mình, phấn đấu vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân; chủ động rà soát để tìm ra dư địa cho cải cách, phục vụ doanh nghiệp.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là tự đặt câu hỏi: Phải làm gì để người dân, doanh nghiệp hài lòng? Ở trường hợp cụ thể của mình, tỉnh Long An thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp để tìm sự đồng thuận, cũng như sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác. Đây cũng chính là kinh nghiệm để năm nay PCI của Long An được xếp hạng thứ 4 trong số 63 tỉnh, thành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành quả từ sự nỗ lực, cầu thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.