Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành quả bước đầu, nhưng vô cùng quan trọng của công pháp quốc tế

Hoàng Linh| 22/07/2016 05:54

(HNM) - Ngày 12-7-2016, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) công bố phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS.


TS. Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh do nhân vật cung cấp


- Thưa ông, là một chuyên gia có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với công tác biên giới, ông đánh giá như thế nào về động thái đơn phương khởi kiện của Philippines?

- Là một quốc gia thành viên của UNCLOS, ngày 22-1-2013, Philippines đã đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về việc Trung Quốc giải thích và áp dụng sai UNCLOS theo Điều 279, Điều 283, Điều 284. Trong vụ kiện của Philippines, bị đơn Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS, nhưng đã tuyên bố viện dẫn các ngoại lệ để loại bỏ thẩm quyền thụ lý vụ án của các cơ quan tài phán nói trên theo Điều 298 của UNCLOS, với hai lý do: Một là Trung Quốc cho rằng Philippines đã kiện về quyền thụ đắc lãnh thổ và vấn đề hoạch định ranh giới biển. Đó là những ngoại lệ mà Trung Quốc đã ra tuyên bố bảo lưu, không thuộc thẩm quyền xét xử của Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Hai là Trung Quốc đã viện dẫn Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cho rằng, đơn kiện của Philippines đã vi phạm các nguyên tắc trong DOC và đang làm phức tạp hơn các xung đột trong khu vực. Trung Quốc cho rằng theo Điều 5 của DOC, việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán giữa các quốc gia thành viên phải bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán của các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan. Động thái đơn phương khởi kiện của Philippines là giải pháp tối ưu và hợp pháp theo chuẩn mực quốc tế sau khi nỗ lực thương lượng hòa bình không thành. Về kỹ thuật, Trung Quốc đã phản đối về thẩm quyền tài phán của Tòa trọng tài bằng việc vận dụng quy định tại Điều 298 của UNCLOS như phân tích ở trên. Nhưng, đó chỉ là chiêu trò nhằm đánh lừa dư luận, tạo áp lực lên phán quyết của Tòa trọng tài. Nhưng, mọi mưu mô, thủ đoạn nói trên đã không thể làm lung lay quyết tâm của nguyên đơn Philippines và đặc biệt là sự sáng suốt, công tâm của 5 thẩm phán trong Tòa trọng tài - những người đang gánh vác sứ mạng lịch sử bảo vệ hiệu lực của UNCLOS mà nhân loại đang kỳ vọng, tin tưởng.

- Ngay từ đầu, Trung Quốc đã liên tục phủ nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài phân xử các tranh chấp theo đơn kiện của Philippines bằng nhiều lý do khác nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ngày 29-10-2015, Tòa trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan (PCA) ra thông cáo báo chí về vụ kiện giữa Cộng hòa Philippines với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, trong đó khẳng định rằng PCA có thẩm quyền thụ lý, xét xử vụ kiện này theo đúng quy định của UNCLOS và rằng cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ràng buộc của UNCLOS có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ mọi điều khoản của UNCLOS. Việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện không làm mất đi thẩm quyền ra phán quyết của Tòa trọng tài. Và Tòa trọng tài đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng vấn đề phân xử vượt qua thẩm quyền khi Philippines chủ yếu khởi kiện các nội dung liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và phân định biên giới biển giữa hai nước. Tòa khẳng định bản chất vụ kiện của Philippines phản ánh tranh chấp giữa hai nước liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. Đồng thời, Tòa cũng đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng DOC ký giữa Trung Quốc với ASEAN năm 2002 là thỏa thuận để giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua thương lượng. Tòa trọng tài phán quyết rằng DOC chỉ là một thỏa thuận chính trị mà không ràng buộc pháp lý; do đó không liên quan đến các quy định trong UNCLOS về việc ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua bất kỳ phương tiện nào mà hai bên đồng ý.

Vì vậy, phán quyết của Tòa trọng tài về thẩm quyền thụ lý vụ kiện của Philippines là thành quả bước đầu, nhưng vô cùng quan trọng của UNCLOS cũng như công pháp quốc tế. Thực tế, đây cũng là lần đầu tiên các tranh chấp về việc giải thích và áp dụng UNCLOS theo các cơ chế thích hợp đã được vận dụng để thụ lý và xét xử các vụ kiện được đơn phương đệ trình.

- Như vậy, phán quyết của Tòa trọng tài đã làm sáng tỏ tinh thần tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế phải là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia?

- Đúng vậy. Philippines kiện Trung Quốc với 15 nội dung khác nhau, nhưng về bản chất là kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông. Có 7 nội dung được Tòa trọng tài phán quyết là đủ thẩm quyền xét xử và đã công bố phán quyết theo đúng tuần tự thủ tục Trọng tài. Những nội dung để lại xem xét sau, hoặc có liên quan đến vấn đề “chủ quyền” đối với một số thực thể, ví dụ như bãi Vành Khăn, bãi Xu Bi… hoặc liên quan đến vấn đề phân định biển. Như vậy có thể thấy Hội đồng Trọng tài đã làm việc độc lập, khách quan, công tâm và chỉ tuân theo pháp luật quốc tế - đặc biệt là UNCLOS.

Trong phán quyết Tòa không đề cập đến các thực thể thuộc chủ quyền nước nào, vì Tòa trọng tài không có thẩm quyền bàn đến. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có công hàm chính thức bảo lưu chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nên việc chúng ta ủng hộ và bảo vệ phán quyết của Tòa trọng tài thì không hề có ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã luôn luôn tuyên bố có đầy đủ chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thì chúng ta phải bảo lưu lập trường này, giữ gìn nguyên tắc trước sau như một. Trước khi bước vào đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền với các bên liên quan, tuyệt đối không thể vì bất kỳ lý do nào mà từ bỏ bất cứ một thực thể nào trong phạm vi quần đảo Trường Sa, dù là do bên nào đang chiếm đóng…

Vì vậy, Việt Nam cử đoàn dự phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc, một biểu hiện tích cực hưởng ứng quá trình thụ lý và xét xử của Hội đồng Trọng tài, là thiện chí của Việt Nam với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của UNCLOS, hiện đang đứng trước những thách thức về tính hiệu lực của bản “Hiến chương xanh” này!

Trong phán quyết, Tòa trọng tài đã phân tích, giải thích cặn kẽ, cụ thể và rất thuyết phục về giá trị hiệu lực của các thực thể địa lý trong Biển Đông để sử dụng cho việc xác định các vùng biển và thềm lục địa của chúng. Chẳng hạn, “tổng thể quần đảo Trường Sa” được Tòa kết luận đó là một “thực thể thống nhất” có quy chế pháp lý riêng, chứ không theo quy chế của “quốc gia quần đảo” tại quy định Điều 47 của UNCLOS như Trung Quốc từng giải thích và áp dụng để công bố hệ thống đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) năm 1996. Đây chính là việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS của Trung Quốc. Họ cũng đang có phương án lặp lại điều tương tự ở Trường Sa. Tuy nhiên, với phán quyết vừa đưa ra, Tòa đã cảnh báo và ngăn chặn toan tính này của Trung Quốc.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành quả bước đầu, nhưng vô cùng quan trọng của công pháp quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.