(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, nhưng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm mạnh, có tính cạnh tranh vẫn chưa như kỳ vọng. Thành phố quyết tâm xây dựng những thương hiệu sản phẩm có “bản sắc”, qua đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại.
Chưa có nhiều thương hiệu mạnh
Thành phố Hồ Chí Minh vốn được xem là “đại bản doanh” của doanh nghiệp khi có hơn 390.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, nói đến thương hiệu sản phẩm lớn mạnh thì vẫn còn khiêm tốn.
Nói về khó khăn trong xây dựng thương hiệu, ông Đỗ Hòa (Công ty Tinh hoa quản trị) cho rằng, xây dựng thương hiệu mạnh cần quá trình đầu tư tốn kém và mất nhiều thời gian. Nếu không nằm trong chiến lược lâu dài của thành phố và không có sự cam kết đồng hành của chính quyền thì doanh nghiệp sẽ dễ bị rủi ro khi thành phố thay đổi định hướng.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có một số thương hiệu khá nổi như Saigon Co.op (ngành bán lẻ); Saigontourist (ngành du lịch); Vissan (ngành thực phẩm); Thái Tuấn (ngành dệt may, thời trang); ABC Bakery (ngành bánh ngọt)... Đại diện doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu trên cho biết, xây dựng thương hiệu là câu chuyện dài, nhưng đầu tiên phải có sản phẩm, dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Phạm Trung Kiên dẫn chứng, để xây dựng được thương hiệu Saigon Co.op như hôm nay, doanh nghiệp đã trải qua hành trình 30 năm hoạt động và phát triển, với doanh thu tại thời điểm thành lập chỉ 1 tỷ đồng/năm so với hơn 30.000 tỷ đồng/năm như hiện tại. Còn ông Kao Siêu Lực, nhà sáng lập ABC Bakery chia sẻ: “Để một thương hiệu bánh của Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến, tôi đã phải tự trang trải chi phí vé máy bay, tiền ăn, ở tại nước ngoài để dạy cách làm bánh cho học viên nhiều nước trên thế giới mà không nhận một đồng thù lao”.
Tuy nhiên, với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, những thương hiệu mà doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chưa được như kỳ vọng, nhất là sản phẩm công nghiệp hay sản phẩm công nghệ thông tin phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Xây dựng thương hiệu gắn với định vị thành phố
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, kỳ vọng của thành phố trong việc xây dựng, phát triển được những thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp mạnh, không chỉ để khẳng định vị trí tại thị trường trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Đồng thời, những sản phẩm, doanh nghiệp này sẽ là hình ảnh của thành phố Hồ Chí Minh trong quảng bá, xúc tiến thương mại đến các nước.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thành phố Hồ Chí Minh cần định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp gắn với chương trình thương hiệu quốc gia, đặc biệt gắn với định vị của thành phố và mang tính bản sắc, nhất là các sản phẩm thuộc nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ tài chính (fintech). “Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế nên rất cần có nhiều thương hiệu mạnh, hấp dẫn và độc đáo. Đây là nền tảng để thành phố trở thành tâm điểm thu hút đầu tư, thúc đẩy thành phố phát triển”, Tiến sĩ Võ Trí Thành đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Lương Hà (Trường Kinh doanh ESCP, Pháp) cho rằng, tính bản sắc thương hiệu sản phẩm của thành phố Hồ Chí Minh có thể dựa theo các hình ảnh cốt lõi tương tự chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch hiện có, qua đó lựa chọn ngành hàng phù hợp và bình chọn các thương hiệu sản phẩm trong từng ngành hàng với sự khách quan và công tâm nhất. Việc bầu chọn này phải mang tính công khai để lập nên danh sách “Sản phẩm bản sắc thành phố Hồ Chí Minh”. Các sản phẩm được bầu chọn được gắn logo chính thức của chiến lược truyền thông thương hiệu và sẽ được chính thức xuất hiện trong các sự kiện xúc tiến, quảng bá chung của thành phố.
Bàn về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên cho biết, với trách nhiệm là cơ quan đơn vị đầu mối, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp hoạt động và phát triển, duy trì việc tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, sản phẩm có thể lỗi thời, còn thương hiệu luôn sống mãi với thời gian. Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố nhận thức sâu sắc rằng để hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao cần thiết phải xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp mạnh của thành phố.
“Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi theo chuẩn mực quốc tế, đề cao sự công khai, minh bạch để doanh nghiệp phát triển”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.