(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng đứng ở tốp đầu. Trước thực tế này, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai xây dựng gói hỗ trợ bảo đảm thiết thực, hiệu quả, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn vượt qua khó khăn, giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hơn 21 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể
Thống kê của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến ngày 31-7-2020, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 21.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, khiến số vốn đăng ký giảm xuống hơn 12.600 tỷ đồng. Điều này còn dẫn đến hàng chục nghìn người lao động bị ngưng việc hoặc mất việc làm, gây khó khăn trong công tác an sinh xã hội.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh dự báo, tới tháng 9-2020, sẽ có khoảng 120.000 lao động của khoảng 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bị cắt giảm việc làm do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, bà Lâm Thúy Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mebipha thông tin, dịch Covid-19 đã làm doanh thu của công ty giảm mạnh. Để giữ vững được hoạt động, bảo đảm thu nhập cho người lao động, công ty rất cần sự hỗ trợ như giảm thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho lao động... Tương tự, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết: "Chúng tôi cũng nghe nói có gói hỗ trợ của thành phố Hồ Chí Minh cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 nhưng không biết có nằm trong diện được hỗ trợ hay không. Hiện dù rất khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng cầm cự, tới đâu hay tới đó".
Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Giám đốc VCCI tại thành phố Hồ Chí Minh, việc kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 có ý nghĩa sống còn trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định, thành phố đang phải chiến đấu trên 2 mặt trận. Mặt trận thứ nhất và quan trọng nhất là phòng, chống dịch Covid-19. Mặt trận thứ hai là phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm không để doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố gói hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một trong những nội dung quan trọng của gói hỗ trợ lần này là hỗ trợ lãi suất vay để doanh nghiệp có dòng tiền bổ sung vào vốn lưu động, qua đó kịp thời xử lý khó khăn về nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, duy trì cũng như đẩy mạnh hoạt động, bảo đảm chi trả lương cho người lao động. Cụ thể, Sở đang tham mưu với thành phố hỗ trợ ngân sách với phần lãi suất 8,5% cho các doanh nghiệp. Với mức lãi suất này, dự tính từ nay đến cuối năm 2020, thành phố sẽ hỗ trợ 111 tỷ đồng với doanh nghiệp siêu nhỏ. Còn với doanh nghiệp nhỏ, số tiền ngân sách hỗ trợ lãi suất mà các doanh nghiệp này vay các tổ chức tín dụng là khoảng 243 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở tham mưu với UBND thành phố trình HĐND thành phố Hồ Chí Minh duyệt gói hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0% đến hết năm 2021 để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, ở gói hỗ trợ này sẽ không yêu cầu doanh nghiệp chứng minh khả năng tài chính; chỉ yêu cầu doanh nghiệp chứng minh giảm doanh số, giảm doanh thu khoảng 20-25% so với quý IV-2019... là có thể được hỗ trợ vay vốn.
Dưới góc độ cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (trụ sở ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Chúng tôi mong muốn trung ương, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh xem xét cụ thể hoạt động riêng biệt của từng ngành để có những gói hỗ trợ mang tính đặc thù cũng như phù hợp với tính chất hoạt động của mỗi doanh nghiệp”.
Dự kiến đầu tháng 9-2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ ban hành chương trình hành động 3 tháng cuối năm 2020 nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế; theo đó, một trong những trọng tâm là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và phục hồi kinh tế. “Những việc nào thuộc thẩm quyền của quận, huyện thì chủ động thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại địa bàn, những việc vượt quá thẩm quyền phải báo cáo ngay Thường trực UBND thành phố để kịp thời có phương hướng tháo gỡ”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.