Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh: Vì sao gần 3.900 học sinh trúng tuyển lớp 10 nhưng không nhập học?

Nhóm phóng viên 03/08/2023 - 23:30

Với việc gần 3.900 học sinh trúng tuyển không nhập học, lần đầu tiên trong 10 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã phải tuyển sinh bổ sung lớp 10 tại nhiều trường THPT công lập. 

a139a(1).jpg
Số liệu cập nhật tối 3-8 về tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu tại một số trường THPT tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện tượng “lạ”

Kết thúc hạn chót làm thủ tục nhập học lớp 10 công lập năm học 2023-2024, nhiều trường THPT công lập tại thành phố Hồ Chí Minh không tuyển đủ chỉ tiêu. Cụ thể, toàn thành phố có 76.028 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập, nhưng chỉ có hơn 72.000 em nộp hồ sơ trúng tuyển. Như vậy, còn gần 3.900 học sinh chưa nộp hồ sơ.

Việc này dẫn đến tình trạng rất nhiều trường THPT công lập tại thành phố tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, dù điểm tuyển sinh không cao. Nhiều nhất là các trường vùng ven như Vĩnh Lộc B, Phong Phú, Năng khiếu TDTT Bình Chánh, Đa Phước (huyện Bình Chánh); An Nhơn Tây, Trung Lập (huyện Củ Chi); Nguyễn Văn Tăng (thành phố Thủ Đức); Nguyễn Văn Linh (quận 8)…

a133.jpg
Trường THPT Vĩnh Lộc B là một trong các trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu lớp 10 công lập.

Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, thành phố tuyển sinh không đủ chỉ tiêu lớp 10 công lập ở nhiều trường THPT. Trong đó, trường thiếu nhiều nhất là hơn 270 chỉ tiêu, trường thiếu ít nhất là 3 chỉ tiêu. Những năm trước, việc thiếu học sinh lớp 10 chỉ xảy ra ở các trường, lớp chuyên. Vào tháng 11 hằng năm, Sở thường tổ chức kỳ tuyển sinh bổ sung cho các trường chuyên này.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 2-8, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý cho Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường thiếu học sinh lớp 10 được tuyển sinh bổ sung. Các học sinh trong diện dự tuyển là những em trượt cả 3 nguyện vọng, có tổng điểm cao hơn điểm tuyển sinh nguyện vọng 3. Các trường chủ động tổ chức tuyển sinh theo tiêu chí này cho đến khi đủ chỉ tiêu.

“Sở không hạ điểm chuẩn nhằm tránh ảnh hưởng việc tuyển sinh của đa số trường THPT đã tuyển đủ chỉ tiêu. Việc giới hạn đối tượng tuyển sinh bổ sung là các em trượt cả 3 nguyện vọng nhằm tạo điều kiện cho học sinh có kết quả thi tốt, nhưng đăng ký nguyện vọng chưa hợp lý, được vào lớp 10. Các em nộp hồ sơ xét tuyển từ ngày 4 đến ngày 8-8, mỗi em chọn 1 trường”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin với báo giới chiều 3-8.

Không cần quá lo ngại

Trái với lo lắng của một bộ phận người dân về vấn đề này, ông Võ Thiện Cang, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh nhận định, không quá đáng lo ngại về số liệu gần 3.900 em trúng tuyển lớp 10 nhưng không nhập học.

Thứ nhất là năm nay, nhiều trường THPT công lập vùng ven tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm ngoái, vừa do số học sinh năm nay cao hơn năm trước, vừa “đón đầu” xu thế tăng dân số cơ học tại các khu vực này. Tuy nhiên, thực tế không xảy ra như tính toán. Vì vậy, đến chiều 3-8, nhiều trường đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung. 

Thứ hai là theo định hướng phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sẽ có 70% học sinh học hết lớp 9 vào các trường THPT công lập. 30% còn lại học dân lập, học nghề, đi du học hoặc làm các việc khác, tùy trình độ, điều kiện, thế mạnh… của mỗi em.

a135.jpg
Tính đến chiều 3-8, đã có hơn 9.000 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học trung cấp nghề. Con số này dự kiến tiếp tục tăng.

Năm 2022, toàn thành phố có hơn 20.000 em không vào lớp 10 công lập (cả số không đăng ký thi và số thi không đỗ). Năm nay, con số này tăng đến gần 30.000 em, do lượng học sinh lớp 9 đông hơn, nhưng tỷ lệ trên vẫn được bảo đảm. Thêm vào đó, xu thế lựa chọn nhiều hướng đi cho học sinh sau tốt nghiệp THCS đã ngày một rõ nét hơn.

“Ngoài 114 trường THPT công lập, thành phố hiện có 126 cơ sở giáo dục khác, bao gồm hệ thống các trường dân lập, tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp nghề… với gần 50.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Thành phố có đủ chỗ học văn hóa, học nghề cho học sinh”, ông Võ Thiện Cang nói.

Số liệu cập nhật đến chiều ngày 3-8 cho thấy, có khoảng 9.700 em đã nộp hồ sơ nhập học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Hơn 9.000 em nộp hồ sơ nhập học tại các trường trung cấp nghề. Các con số trên có thể tiếp tục tăng. Số liệu học sinh vào lớp 10 dân lập chưa thể thống kê. Ngoài ra, một lượng không nhỏ các em học sinh tốt nghiệp THCS được gia đình cho đi du học sớm.

a136.jpg
Nhiều học sinh tốt nghiệp lớp 9 tại thành phố Hồ Chí Minh chọn đi du học.

Chị Vương Ngọc Phúc (ngụ tại Cư xá Ngân hàng, phường Tân Thuận Đông, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi có cháu gái thứ 2 học hết lớp 9. Gia đình và cháu đã thống nhất sang Australia học chương trình phổ thông, thay vì học trong nước. Hết 2 năm, sẽ học dự bị đại học để liên thông lên cao hoặc học nghề. Cách này phù hợp với khả năng của cháu. Sau 5-6 năm nữa, cháu đã có nghề hoặc tốt nghiệp đại học, cơ hội tìm việc làm sẽ nhiều hơn”.

Với em Trương Vũ Khiêm, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), do không tự tin vào sức học, em đăng ký cả 3 nguyện vọng vào các trường tốp dưới ở huyện Bình Chánh và quận 10. Em trúng tuyển 2 trường ở Bình Chánh, nhưng cuối cùng quyết định chọn học trường dân lập gần nhà.

“Trường dân lập đó có tỷ lệ học sinh vào đại học khá cao nên em và gia đình đã thống nhất chọn học”, Trương Vũ Khiêm nói.

Từ những ví dụ trên, ông Võ Thiện Cang nhận định, thực tế này cho thấy ngày càng có nhiều gia đình không còn lựa chọn “vào lớp 10 công lập bằng mọi cách, hay trường công lập là nhất”, mà đã lựa chọn cho con em phát triển một cách thực chất, sát với điều kiện và năng lực bản thân hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Vì sao gần 3.900 học sinh trúng tuyển lớp 10 nhưng không nhập học?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.