(HNMO) – Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thành phố đã đạt được một số thành tựu trong việc trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN vào năm 2030. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thành mục tiêu này.
Nhiều ứng dụng thành công
Ngày 20-1, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin kết quả cập nhật mới nhất về việc thực hiện “Kế hoạch Triển khai thành công nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu tại các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến cuối của thành phố”, nhằm huy động nguồn lực để rút ngắn hơn nữa khoảng cách về phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngành Y tế thành phố với các nước trong khu vực.
Theo đó, các kỹ thuật chuyên sâu tiêu biểu đã được triển khai thành công tại các bệnh viện đầu ngành của thành phố là: Kỹ thuật giải trình gen phát hiện các dịch bệnh mới nổi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với sự hỗ trợ của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford); xét nghiệm xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới phục vụ cho hoạt động ghép tuỷ (Bệnh viện Truyền máu - huyết học).
Đó còn là kỹ thuật giải trình tự gen phát hiện đột biến giúp sử dụng các thuốc ức chế men PARP trong điều trị những bệnh nhân ung thư vú, buồng trứng, tụy, tuyến tiền liệt có đột biến gây bệnh trên 2 gen BRCA1 và BRCA2 (Bệnh viện Ung bướu); ứng dụng công nghệ TIMPLASE tích hợp camera tự động kết hợp trí tuệ nhân tạo trong xác định và lựa chọn phôi chuyển (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh); kỹ thuật sinh thiết vú dưới hướng dẫn của siêu âm với sự hỗ trợ hút chân không (Bệnh viện Hùng Vương).
Đó cũng là việc ứng dụng kỹ thuật quang điện TruScreen trong phát hiện ung thư cổ tử cung (Bệnh viện Từ Dũ); kỹ thuật xạ trị X-knife (Bệnh viện Ung bướu); phẫu thuật robot cắt ung thư thận có chồi bướu trong tĩnh mạch chủ bụng (Bệnh viện Bình Dân); phẫu thuật Hybrid chuyển vị các nhánh động mạch tạng và não – đặt ống ghép nội mạch điều trị phình động mạch chủ bụng trên thận và quai động mạch chủ (Bệnh viện Bình Dân).
Đó là kỹ thuật tiêm nội nhãn chất ức chế yếu tố tăng trưởng nội mạch trong điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (Bệnh viện Nhi đồng 1); hình thành Trung tâm tim mạch trẻ em với nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên sâu cho trẻ em (Bệnh viện Nhi đồng 1); hình thành Trung tâm ghép tạng trẻ em bao gồm các kỹ thuật ghép thận và ghép gan ở trẻ em (Bệnh viện Nhi đồng 2); phẫu thuật tách cặp song sinh dính Trúc Nhi – Diệu Nhi (Bệnh viện Nhi đồng thành phố).
Đó là việc áp dụng thành công kỹ thuật oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trên bệnh nhi sốc sốt xuất huyết dengue biến chứng ARDS (Bệnh viện Nhi đồng thành phố); phẫu thuật vi phẫu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu nhỏ (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình); ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong phẫu thuật tạo hình toàn bộ khớp gối (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh).
Đó là việc áp dụng kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim không dây Micra và thay van động mạch chủ qua ống thông (Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park); kỹ thuật sử dụng xung điện kích thích tủy, điều trị đau kháng trị sau chấn thương cột sống; phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu điều trị bệnh parkinson (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương); sử dụng kính hiển vi trong điều trị nội nha (Bệnh viện Răng Hàm Mặt); cấy ốc tai điện tử điều trị những bệnh nhân bị điếc sâu, khiếm thính nặng (Bệnh viện Tai Mũi Họng)…
Đặc biệt, ca ghép thận thành công của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho bé trai 15 tuổi bị suy thận mạn phải chạy thận thường xuyên mỗi tuần cho thấy ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã có thể thực hiện được những kỹ thuật chuyên sâu có độ khó cao, chưa có nhiều nước trong khu vực áp dụng.
Cần định vị chính xác để phát triển
“Những năm gần đây, hàng loạt kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới tại các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được triển khai thành công và mang lại cơ hội sống cao hơn cho người dân không may mắc các bệnh phức tạp, hiểm nghèo, cũng như đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh rất đa dạng của người dân theo nhiều chuyên khoa khác nhau; mang lại thêm nhiều chọn lựa cho người dân, thay vì chỉ có một chọn lựa duy nhất là ra nước ngoài để điều trị”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.
Tuy nhiên, cũng theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, câu hỏi đặt ra là các kỹ thuật chuyên sâu kể trên đã bao phủ cho tất cả loại hình bệnh tật của người dân chưa? Còn bao nhiêu kỹ thuật chuyên sâu chưa được triển khai, nguyên nhân chính là gì? Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách về kỹ thuật chuyên sâu giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố và các nước trong khu vực?
Theo kế hoạch dự kiến, trong quý II-2023, Sở Y tế thành phố sẽ tổ chức Hội nghị khoa học, báo cáo kết quả phát triển các kỹ thuật chuyên sâu của các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành. Hội nghị này sẽ quy tụ sự tham gia tất cả bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối trên địa bàn thành phố, kể cả các bệnh viện tư nhân, Hội Y học và các hội chuyên khoa.
“Thông qua hội nghị này, ngành Y tế thành phố sẽ nắm được việc phát triển kỹ thuật chuyên sâu đã thực hiện đến đâu, đang đứng ở vị trí nào trong khu vực ASEAN? Hiện đang có những kỹ thuật chuyên sâu nào có thể triển khai? Từ đó, ngành Y tế sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình, đề xuất các giải pháp như ưu tiên bố trí ngân sách và nhất là kiến nghị các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội tham gia xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm các nước trong khu vực ASEAN”, ông Tăng Chí Thượng cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.