(HNM) - Dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu giúp quản trị rủi ro và nâng cao tính cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp tại thành phố đã và đang tham gia chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng thực hiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.
Xu hướng tất yếu
Trong thời gian giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường bán hàng trực tuyến (online). Bên cạnh đó, thông qua các nền tảng trực tuyến, không ít doanh nghiệp đã cho nhân viên khối văn phòng làm việc tại nhà. Điển hình như Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh đã vận hành ứng dụng nền tảng hội chợ trực tuyến với 50 gian trưng bày ảo và dự kiến đến cuối năm nay sẽ tăng lên 100 gian hàng. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ không bị gián đoạn việc tìm kiếm thị trường, khách hàng trong đợt dịch vừa qua.
Giám đốc Phát triển kinh doanh (Công ty Hệ thống thông tin FPT) Phan Thanh Sơn cho biết, có doanh nghiệp khi ứng dụng giải pháp số hóa quy trình và giao việc tự động (FPT SPro) đã giảm thời gian trung bình xử lý công việc từ 40 giờ xuống còn 13 giờ, thời gian phê duyệt của lãnh đạo từ 10 giờ xuống chỉ còn 3 giờ, tương đương cắt giảm từ 70% đến 90% thời gian cho doanh nghiệp.
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau chuyển đổi số, Chủ tịch Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni Lâm Minh Chánh cho rằng, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp quản trị được rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại, thích nghi trong môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt, có tính đào thải cao.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại thành phố được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Đây là điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp phải tiếp cận chuyển đổi số để số hóa trong quản trị, điều hành và sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng nhấn mạnh: “Ứng dụng chuyển đổi số là xu hướng, đồng thời là lợi ích có tính chất sống còn của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Theo Chương trình chuyển đổi số thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số của thành phố chiếm 25% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%. Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố đã công bố chương trình chuyển đổi số nhằm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các gói giải pháp chuyển đổi số phù hợp. Chương trình giới thiệu hai gói ứng dụng chuyển đổi số cơ bản: X-Starter (dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp - Startup) và X-SME (dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Phó Trưởng ban Điều hành hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp (Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) Trần Anh Tuấn cho biết, chương trình chuyển đổi số tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 98% số lượng doanh nghiệp) với các nhóm doanh nghiệp như: Công ty khởi nghiệp; doanh nghiệp thương mại - dịch vụ; logistics; dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe... “Với nguồn quỹ 4 tỷ đồng, chương trình bước đầu sẽ hỗ trợ miễn phí 6 tháng đầu tiên cho 300 doanh nghiệp sử dụng ứng dụng chuyển đổi số X-Starter và X-SME”, ông Trần Anh Tuấn cho hay.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Mạnh Tuệ cho biết, Trung tâm sẽ tổ chức các chương trình tọa đàm, hội thảo giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích của chuyển đổi số, từ đó chủ động hơn trong việc hoạch định kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thông tin, chuyển đổi số là cơ hội để thành phố vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Hiện thành phố đang triển khai chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, trong đó số hóa nhiều thủ tục hành chính và tích hợp nhiều dữ liệu để người dân và doanh nghiệp sử dụng.
“Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực để tiến tới làm chủ công nghệ; tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… làm tiền đề xây dựng chính quyền số và kinh tế số”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.