Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển lưới điện thông minh

Hà Phạm| 28/12/2020 07:42

(HNM) - Phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, ngành Điện thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý và vận hành, phát triển lưới điện thông minh. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025.

Công nhân Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh thi công sửa chữa lưới điện bằng phương pháp bệ đỡ cách điện Platform cấp điện áp đến 22kV, không cần cắt điện.

Kết quả nổi bật

Những năm qua, ngành Điện thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước hiện đại hóa lưới điện thông qua việc xây dựng và triển khai “Đề án phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn năm 2025” và đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể: Hoàn thành trước 2 năm kế hoạch chuyển đổi 100% trạm biến áp 110kV vận hành theo tiêu chí không người trực; trước 1 năm đối với chỉ tiêu tự động hóa lưới điện phân phối; đưa vào vận hành trung tâm điều khiển từ xa lưới điện phân phối đầu tiên tại Việt Nam; lưới điện 110kV bảo đảm vận hành tiêu chí N-1 (dự phòng 1 nguồn); hoàn thành trước 2 năm nâng cấp điện áp lưới điện từ 15kV lên 22kV theo chuẩn quốc gia...

Sự tiến bộ của ngành Điện thành phố được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Bà Đỗ Thị Mai Hòa (ở hẻm 123 đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) nhận xét: "Trước đây, nếu mỗi lần trời mưa to, gió lớn hay các sự cố liên quan đến lưới điện thường xảy ra mất điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất thì nay tình trạng đó hầu như không còn".

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) Phạm Quốc Bảo, ngành Điện thành phố đã có những định hướng đúng đắn trong việc nghiên cứu, tiếp cận, xây dựng và thực hiện lộ trình phát triển lưới điện thông minh theo xu hướng của thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh theo chỉ đạo của UBND thành phố.

“Việc khai thác hiệu quả các ứng dụng lưới điện thông minh là nền tảng để ngành Điện thành phố đạt được những kết quả tốt trong việc thực hiện 4 nhiệm vụ chính gồm: Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng”, ông Phạm Quốc Bảo khẳng định.

Tối ưu hóa công tác quản lý vận hành

Giai đoạn 2020-2025, chỉ tiêu mà EVNHCMC hướng tới là số lần mất điện trung bình trong năm của lưới điện  ≤ 0,5 lần (phấn đấu ≤ 0,3 lần) và thời gian mất điện trung bình trong năm trên lưới là ≤ 50 phút (phấn đấu ≤ 30 phút); tỷ lệ tổn thất đo đếm điện năng ≤ 3,4%; 100% các trạm 110kV, các trạm ngắt, lưới điện 22kV được giám sát, điều khiển từ xa; tối thiểu 50% số tuyến dây trung thế công cộng vận hành tự động (DAS/DMS); 100% các trạm biến áp phân phối được giám sát vận hành từ xa, cảnh báo mất điện tức thời. Ngoài ra, EVNHCMC cũng phấn đấu xây dựng 5-10 trạm biến áp số; vận hành trung tâm điều khiển dự phòng; 100% công tác quản lý kỹ thuật vận hành lưới điện được số hóa...

Với các hộ gia đình mua điện, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Bùi Trung Kiên cho biết, ngành Điện thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu ngay trong năm 2021, sẽ có 100% số hộ gia đình được lắp đổi miễn phí đồng hồ đo điện từ xa, có thể theo dõi chỉ số điện mọi lúc, mọi nơi, thông qua ứng dụng thông minh trên thiết bị di động.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành Điện thành phố Hồ Chí Minh triển khai 9 chương trình hành động. Trong đó, “Chương trình hiện đại hóa lưới điện, phát triển lưới điện thông minh” chú trọng kiện toàn kết cấu lưới điện theo nguyên tắc tối ưu hóa công tác quản lý vận hành. Cụ thể, tập trung duy trì lưới điện 110kV đáp ứng vận hành theo tiêu chí N-1 (dự phòng 1 nguồn), riêng các trạm cấp điện cho khu vực trung tâm đạt tiêu chí N-2 (dự phòng đến 2 nguồn); tái cấu trúc lưới điện trung, hạ thế để giảm bán kính cung cấp điện và nâng cao độ tin cậy, ổn định của hệ thống.

Ngoài ra, EVNHCMC tiếp tục triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả mô hình lưới điện thông minh. Trọng tâm là cấu phần tự động hóa lưới điện toàn diện từ cấp điện áp 110kV đến trung, hạ áp và chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý kỹ thuật và vận hành; áp dụng mô hình tiên tiến về công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị lưới điện mà không phải cắt điện... Hiện, ngành Điện thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đặt ra kế hoạch chi tiết triển khai công tác hoàn thành chuyển đổi số toàn ngành vào năm 2022.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông cho biết, để hiện đại hóa ngành Điện giai đoạn 2021-2025, trước hết, thành phố sẽ hoàn thành công tác ngầm hóa 500km lưới điện trung thế, 800km lưới điện hạ thế các tuyến đường liên quận, khu vực trung tâm và những tuyến đường chính của các quận, huyện. Bên cạnh đó, tập trung phát triển mọi nguồn lực, xây dựng và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh hướng đến xây dựng thành phố thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển lưới điện thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.