(HNM) - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh xưa nay gắn bó máu thịt với lịch sử và vận mệnh của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã yêu thương, tin cậy và dày công vun đắp cho thành phố.
Nhìn lại chặng đường phát triển của thành phố trong 39 năm qua, sẽ thấy rất rõ vấn đề này. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, năm 1982, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 01-NQ/TƯ (khóa V) khẳng định "Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta. Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí chính trị quan trọng sau Thủ đô Hà Nội". Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết đó và 16 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng ta, thành phố đã có bước phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Thành phố cũng là nơi khởi xướng và đầu tiên trong cả nước thực hiện các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương", "Bảo trợ bệnh nhân nghèo", "Nụ cười cho trẻ thơ", "Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng"… mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao, có sức lan tỏa mạnh. Trên cơ sở đó và với nhu cầu phát triển thành phố trong thập niên đầu thế kỷ XXI, ngày 18-11-2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/ TƯ đã nhấn mạnh: "Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước…".
So với Nghị quyết 01-NQ/TƯ 20 năm về trước, NQ 20-NQ/TƯ đã xác định vị trí của thành phố rõ hơn, cao hơn - đó là "thành phố lớn nhất nước", là trung tâm lớn không chỉ về kinh tế mà còn cả văn hóa, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Với trọng trách đó, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đạt những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.
Cụ thể, thời kỳ 2001-2005, kinh tế thành phố tăng bình quân 11%/năm, sang giai đoạn 2006-2010 tăng 11,2%/năm, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kinh tế TP Hồ Chí Minh vừa đóng vai trò hạt nhân vừa vai trò đầu tàu, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của vùng năm 2001 là 46,85%, đến năm 2009 mức đóng góp lên đến 60,72%. Đối với cả nước, tỷ trọng GDP của thành phố chiếm 17,2% vào năm 2000 đã tăng lên 19,7% năm 2005 và đến nay là 21,3%. Tỷ trọng thu ngân sách của thành phố so với tổng thu ngân sách quốc gia năm 2005 là 26,5%, từ năm 2010 đến nay tăng lên 27,81%. Theo đà tăng trưởng kinh tế nhanh, mức sống vật chất của dân cư ngày càng được cải thiện và nâng cao. GDP bình quân đầu người năm 1985 đạt 586 USD, năm 2000 đạt 2.000 USD, năm 2011 đạt 3.286 USD, cuối năm 2013 là 4.513 USD.
Cùng với phát triển kinh tế, thành phố luôn đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, giáo dục - đào tạo. Năm 2002, thành phố đã hoàn thành giáo dục phổ cập bậc trung học cơ sở và đến năm 2009 đã hoàn thành phổ cập bậc trung học phổ thông. Thành phố đã hoàn thành quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học tại các quận, huyện đến năm 2020, bố trí quỹ đất và tăng đầu tư xây dựng trường học theo quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo. TP Hồ Chí Minh còn là địa phương có tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước được hình thành và ngày càng chặt chẽ hơn; thị trường công nghệ bước đầu được tạo lập. Ngoài việc củng cố, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu khoa học đã có, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Viện khoa học công nghệ tính toán; thực hiện một số chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học trình độ cao trong và ngoài nước.
Ngoài ra, đời sống văn hóa của thành phố ngày càng phong phú, đa dạng thông qua việc ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa; tạo ra nhiều phong trào, thực hiện nhiều cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, văn minh, xây dựng nếp sống thị dân, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, tác phong công nghiệp; đưa lối sống văn hóa thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng khu dân cư, từng công sở, doanh nghiệp. Trong lĩnh vực y tế, thành phố chủ trương thu hút mọi nguồn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển dịch vụ y tế hướng đến y tế chất lượng cao… đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho mọi đối tượng, của nhân dân thành phố và các địa phương trong khu vực. Đối với việc thực hiện chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách với người có công, an sinh xã hội, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương luôn được quan tâm và được thực hiện đạt kết quả thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2013 chỉ còn 0,8%. Hiện nay, thành phố đã nâng tiêu chí hộ nghèo lên 16 triệu đồng/người/năm. Theo tiêu chí này, đầu năm 2014 thành phố có 7,12% số hộ nghèo, đang phấn đấu hết năm 2015 còn dưới 3%.
Với những thành tựu toàn diện trên đây, vai trò, vị trí của TP Hồ Chí Minh đối với khu vực và cả nước ngày càng được nâng cao. Điều đó được thể hiện trong sự đánh giá, khẳng định của Đảng và Nhà nước trong Nghị quyết 16-NQ/TƯ ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị: "Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước". Rõ ràng, sau thập niên đầu của thế kỷ XXI, vị thế, vai trò của thành phố đã được nâng lên rõ rệt, là kết quả mới của sự phấn đấu liên tục của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Với nền tảng đạt được từ sau giải phóng đến nay, tin rằng đến năm 2020, vai trò, vị trí của thành phố đối với khu vực và cả nước sẽ được nâng lên tầm cao mới. Đó sẽ là một đô thị có kinh tế phát triển cao dựa trên nền tảng dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao, nơi hội tụ của giới doanh nhân, thu hút các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, một trung tâm công nghiệp, tài chính và thương mại của Đông Nam Á. Diện mạo của thành phố sẽ là một siêu đô thị với điểm nhấn là khu vực trung tâm hiện hành, khu đô thị Thủ Thiêm và đô thị mới dọc sông Sài Gòn; hình thành chuỗi đô thị, nối kết với các đô thị khác trong vùng theo mô hình tập trung đa cực, một thành phố xanh và sạch, một đô thị sông nước với quy mô dân số 10 triệu dân. Đó cũng là một trung tâm khoa học - công nghệ lớn, trung tâm về giáo dục - đào tạo chất lượng cao và y tế kỹ thuật cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Thành phố có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, con người được tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện với vị trí là trung tâm, là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Đời sống văn hóa của thành phố có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống dân tộc, các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân thành phố với văn hóa hiện đại, tạo nên nền tảng tinh thần của sự phát triển xã hội thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.