Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực dạy và học trong tình hình dịch bệnh

Thanh Tàu| 18/09/2021 10:21

(HNMO) - Sau hơn hai tuần triển khai, việc dạy học trực tuyến năm học 2021-2022 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã dần đi vào ổn định. Nhiều đơn vị đã hỗ trợ sách giáo khoa, trang thiết bị máy tính, hỗ trợ học bổng cho học sinh khó khăn… Những khó khăn phát sinh đang dần được khắc phục để việc dạy và học đảm bảo chất lượng.

 Học sinh học trực tuyến tại sảnh tầng trệt của block A chung cư 1050, phường 12, quận Bình Thạnh, lớp không có bàn học mà chỉ có những chiếc ghế đá.

Nhiều khó khăn

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm học 2021-2022 tại thành phố Hồ Chí Minh phải triển khai bằng hình thức trực tuyến, dự kiến hết học kỳ I. Chị Phạm Thị Thanh Ba, ngụ tại quận 3, có con đang học lớp 7A, Trường THCS Lê Lợi, quận 3 cho biết: “Em nào có cha mẹ kèm sát thì học nghiêm túc... Vì thế, tôi thấy vai trò của cha mẹ rất quan trọng khi con học online, nhưng một số em vì cha mẹ đi cách ly nên phải tự học là chính”.

Trong khi đó, với nhiều gia đình ở “vùng đỏ”, “vùng vàng” thuộc các khu nhà trọ, nhà tạm ven kênh rạch..., sau khi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được chuyển đến nơi ở tạm an toàn hơn, học sinh gặp khó khăn trong học trực tuyến. Cụ thể, tại sảnh tầng trệt của block A chung cư 1050, phường 12, quận Bình Thạnh, nơi các em và gia đình được chuyển đến, chỉ có internet dưới sảnh chung. Hằng ngày, học sinh phải tập trung tại đây để học, do chưa thể kết nối mạng trên các căn hộ.

Đối với bậc tiểu học, ngày 20-9 là bước vào học online chính thức, nhiều phụ huynh lo lắng, nhất là các cháu lớp 1, lớp 2. Chị Trần Bảo Ngọc Trâm, ngụ quận 12, có con vào lớp 1 Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12 chia sẻ: “Việc dạy online là hình thức hợp lý nhất trong giai đoạn này, tuy nhiên, sẽ rất vất vả cho cả giáo viên và phụ huynh. Bởi các con còn quá nhỏ để có thể tự thao tác trên máy, tự học một mình, vì thế, cần có người nhà kèm cặp, nhắc nhở, hướng dẫn liên tục...”.

 UBND quận 10 trao sách giáo khoa, thiết bị học cho học sinh khó khăn.

Nhiều hỗ trợ cho học sinh

Để khắc phục những khó khăn trước mắt, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, học sinh lớp 1, 2 khai thác các nội dung dạy học trên truyền hình, video. Nhà trường không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong thời gian này. Học sinh lớp 3, 4, 5 được dạy học trên internet là chủ đạo... Đặc biệt, việc xây dựng thời khóa biểu học trực tuyến đối với cấp tiểu học phải bảo đảm phù hợp với sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh.

Với hơn 35.000 học sinh không có điều kiện học trực tuyến do không có thiết bị, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp cấp bách. Trước tiên, cơ quan hữu quan tăng cường vận chuyển sách giáo khoa giao tận tay phụ huynh và học sinh. Các cấp chính quyền tăng cường vận động các nhà tài trợ tham gia chương trình “Sóng và máy tính cho em” vừa được Thủ tướng Chính phủ phát động để trang bị thiết bị cho các em học tập. Đơn cử, quận 10 thực hiện chương trình “Kết nối yêu thương - Tiếp sức đến trường”, đã trao tặng 100 suất quà, mỗi phần gồm 1 máy tính bảng, bộ dụng cụ học tập, nhu yếu phẩm trị giá 5 triệu đồng/suất cho các học sinh gặp khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, toàn thành phố có 1.253 cơ sở trường học đang được trưng dụng làm điểm cách ly và phục vụ phòng, chống dịch. Các cơ sở này, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, được giải phóng thì cũng cần có thời gian để sửa chữa, cải tạo, ít nhất là 3 tuần.

“Sửa chữa trường học như thế nào, điều kiện để mở lại trường học ra sao..., tất cả đều phải được dự trù, chuẩn bị sẵn. Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình quy chuẩn Bộ tiêu chí an toàn trường học để UBND thành phố xem xét. Khi nào thực sự sẵn sàng và an toàn, sẽ triển khai mở cửa trường học”, ông Dương Anh Đức cho hay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực dạy và học trong tình hình dịch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.