(HNMO) - Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều sở, ngành và địa phương liên tiếp cho ra mắt các ứng dụng thông tin địa lý trên nền tảng web (WEBGIS) phục vụ công tác quản lý và cung cấp tiện ích cho người dân.
Nở rộ ứng dụng GIS
UBND quận 1 là địa phương mới nhất ứng dụng WEBGIS để quản lý hộ kinh doanh theo thời gian thực; cấp giấy phép điện tử đối với thủ tục cấp giấy phép sử dụng tạm vỉa hè và cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Hệ thống thông tin địa lý (GIS - Geographic Information Systems) là hệ thống công cụ có công dụng thu nhận, lưu trữ, cập nhật, phân tích các thông tin, biến động tại cùng 1 điểm hoặc một vùng địa lý, hỗ trợ giải quyết các vấn đề về tổng hợp thông tin, quản lý và quy hoạch. Khi được đưa lên môi trường web, hệ thống này được gia tăng các sức mạnh trực tuyến khác.
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Duy Anh cho biết, qua trang web http://gis.quan1hcm.gov.vn, người dân có thể tham khảo tại một địa điểm hay dãy phố, khu phố… đã có cửa hiệu tên là gì, kinh doanh mặt hàng nào; có ngành nghề nào bị hạn chế hay không… từ đó đưa ra quyết định đầu tư kinh doanh gì và tại đâu. Còn cơ quan chính quyền nắm được những thông tin thay đổi theo thời gian thực về tình hình hộ kinh doanh trên địa bàn để quản lý, trích xuất dữ liệu khi cần và phục vụ cấp giấy chứng nhận hộ kinh doanh; giấy sử dụng tạm thời vỉa hè trực tuyến.
Trước đó, thành phố Thủ Đức là địa phương cấp huyện đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh triển khai WEBGIS trên nhiều nội dung quản lý nhà nước với việc phát triển hệ dữ liệu số trên nền tảng thông tin địa lý với 3 trụ cột chính: Hệ thống kho dữ liệu dùng chung; hệ thống thông tin tác nghiệp địa lý; hệ sinh thái dữ liệu mở.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, cho biết: 3 trụ cột này tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác (y tế, kinh tế, tư pháp, lao động - thương binh, xã hội, giáo dục - đào tạo, tôn giáo...) trên địa bàn. Hệ thống dữ liệu dùng chung này sẽ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ thân thiện, thông tin nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp.
Mới đây nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng WEBGIS vào công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024. Theo đó, phụ huynh sẽ tham khảo mọi thông tin về các trường gần nơi gia đình sinh sống nhất. Còn ngành Giáo dục cũng nắm được thông tin thực của học sinh dự tuyển, bao gồm cả chỗ ở, để ưu tiên nhận các học sinh ở gần chứ không tuyển sinh theo đăng ký thường trú như trước đây, tránh bị nhiễu vì thông tin ảo.
Tối ưu hóa ứng dụng GIS
Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh) là đơn vị triển khai xây dựng, thực hiện Kế hoạch thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công giai đoạn 2022-2025. Trong đó, phổ biến ứng dụng GIS là một trong những nội dung được chú trọng phát triển, đã và đang được nhiều sở, ngành, địa phương ứng dụng.
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý thành phố Hồ Chí Minh Phạm Quốc Phương cho biết, hiện trạng dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước tại thành phố là rất nhiều, nhưng nằm rải rác, phân tán và có nhiều định dạng khác nhau. Công cụ GIS sẽ giúp tập hợp, phân loại các thông tin rời rạc này thành một thể đồng nhất cả về cấu trúc dữ liệu, tránh trùng lặp và dễ dàng mở rộng trường thông tin tùy theo mục đích quản lý khác nhau.
“Chúng tôi đang phối hợp với nhiều bên để xây dựng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã được chuẩn hóa… nhằm tạo kho dữ kiệu dùng chung hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành, thống kê báo cáo và ra quyết định của lãnh đạo thành phố. Đồng thời, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho doanh nghiệp, người dân, giúp tiết kiệm chi phí, tránh đầu tư trùng lặp, tạo tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh”, ông Phạm Quốc Phương thông tin.
Từ góc độ người dùng ứng dụng, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp thành phố Thủ Đức Nguyễn Thị Thiêm nhận định, ứng dụng WEBGIS đã từng thể hiện ưu điểm vượt trội khi được thành phố Thủ Đức triển khai phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 vào thời điểm khó khăn nhất trong năm 2021. Khi đó, qua công cụ này, người dân và doanh nghiệp biết được các ca nhiễm đang ở đâu (cụ thể đến từng số nhà), tình trạng ra sao, dịch ở khu vực đó thế nào, gần đó có nơi cung cấp thực phẩm, dịch vụ y tế nào không...?
“Nay ứng dụng mở rộng cung cấp thông tin mọi mặt về quản lý, kinh doanh, đời sống… nên sẽ càng phát huy hiệu quả. Tôi có đề xuất là nội dung các trường thông tin trên WEBGIS còn cần có xuất phát điểm từ phía người dân, doanh nghiệp, bởi họ có những yêu cầu riêng về nội dung, lĩnh vực và tính chất thông tin. Nếu được phục vụ hữu ích cho nhu cầu thiết thực, người dân sẽ tin tưởng hơn vào chính quyền và hưởng ứng cập nhật thông tin từ thực địa để bồi đắp thêm tiện ích cho ứng dụng này”, bà Nguyễn Thị Thiêm nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.