Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều nét mới ở phố Ông đồ Tết 2024

Tuệ An 31/01/2024 - 15:10

Qua một tuần tổ chức, thực tế ghi nhận du khách đến phố Ông đồ năm nay ít xin chữ hơn mà chủ yếu tìm mua những vật phẩm trang trí độc đáo cho Tết Giáp Thìn 2024.

o5.jpg
Phố Ông đồ thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động Lễ hội Tết Việt được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên thành phố.

Tính đến ngày 31-1, phố Ông đồ trong Lễ hội Tết Việt 2024 tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra được 1/3 chặng đường. Theo Ban Tổ chức, qua một tuần diễn ra, phố Ông đồ đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan, mua sắm, chủ yếu là các bạn trẻ.

o19.jpg
Các gian hàng tại phố Ông đồ năm nay luôn đông khách từ sáng đến tối.

Tuy nhiên, sau một tuần diễn ra, cả các "ông đồ" và du khách đều có chung nhận định: Việc "xin chữ" năm nay đã ít hơn so với các năm trước. Thay vào đó, du khách tìm mua và đặt hàng các ông đồ viết chữ trang trí lên các vật phẩm Tết như bao lì xì, quạt giấy, tranh tường....

o7.jpg
Nhiều du khách đặt hàng các ông đồ viết chữ thư pháp lên bao lì xì.

Nói về xu hướng mới này, bạn Ngô Phương Lan (nhân viên văn phòng tại quận 1) cho rằng các bạn trẻ thích bao lì xì trang trí kiểu thư pháp để có món quà vừa độc đáo, không trùng lắp, vừa dễ mua, dễ dùng, dễ phổ biến. Món quà này cũng nhiều ý nghĩa và dễ lưu giữ hơn việc xin chữ ngày Xuân treo trang trí vài ngày Tết rồi lại phải cất giữ, không tiện dụng.

od17.jpg
Một ông đồ trẻ nhanh nhạy bắt xu hướng, phục vụ theo nhu cầu khách hàng.

Còn bạn Vương Thanh Sang (sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết năm nay bạn không tìm chữ hay sưu tầm bao lì xì thư pháp mà chọn đặt cho mình một bức tranh vẽ hoa sen với vài dòng thơ lục bát chữ quốc ngữ, nhờ ông đồ thể hiện theo lối vẽ xưa như một món đồ lưu niệm ghi lại thời khắc chuyển giao sang Xuân mới Giáp Thìn 2024. "Em lưu giữ được lâu hơn món quà ý nghĩa này", Thanh Sang nói.

o9.jpg
Ông đồ đang thực hiện bức vẽ hoa sen theo yêu cầu của khách.

Trong khi đó, chị Trần Minh Thanh, ngụ tại phường Võ Thị Sáu, quận 3 tranh thủ ngày cuối tuần đưa con gái 7 tuổi đi phố Ông đồ và hướng dẫn bé chọn món quà là bức vẽ rồng cuộn hổ ngồi. Chị cho biết: "Bé gái dù còn nhỏ, nhưng rất mê nghe ba nói chuyện về những tích xưa và lịch sử. Từ câu chuyện ba kể về Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long bởi ở đó có thế đất đắc địa rồng cuộn hổ ngồi, nên bé muốn tìm hiểu thêm về tích này. Vì vậy, tôi đã đặt bức vẽ dịp Tết làm quà cho con mình".

o8.jpg
Ông đồ đang hoàn thành bức vẽ rồng cuộn hổ ngồi theo yêu cầu của khách nhí.
o17.jpg
Một ông đồ đang hoàn thiện bức vẽ hoa đào theo yêu cầu của khách.
o10.jpg
Một "bà đồ" đang thực hiện bức vẽ chữ quốc ngữ theo lối xưa trên nền giấy đỏ.
o3.jpg
Phố Ông đồ năm nay còn có những gian hàng bán đồ lưu niệm làm từ vật liệu thiên nhiên đậm chất dân gian Việt Nam.
o18.jpg
Đa phần các ông đồ có tuổi đời còn trẻ.
o11(1).jpg
Một gian hàng mỹ nghệ trên phố Ông đồ trang trí linh vật rồng được làm thủ công rất chi tiết, tỉ mỉ.
o12.jpg
Một gian hàng chuyên vẽ tranh Tết trên phố Ông đồ.
o14.jpg
Một du khách lớn tuổi ghé chân nghỉ ngơi giữa trưa nắng tại một gian hàng ông đồ vắng khách.

Theo Ban Tổ chức, qua một tuần diễn ra, hơn 50 ông đồ trên 2 dãy phố Ông đồ tại các đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai quanh Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh ngay trung tâm quận 1 đã góp phần làm tươi thắm thêm sắc xuân của Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 đậm đà bản sắc dân tộc.

Dự kiến, phố Ông đồ tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ đóng cửa vào ngày 14-2-2024, tức mùng 5 Tết Giáp Thìn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều nét mới ở phố Ông đồ Tết 2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.