(HNM) - Thời gian qua, nhiều quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các chương trình đổi rác lấy những vật phẩm như gạo, cây xanh, mì gói, sách vở… Hành động ý nghĩa này đang được lan tỏa và nhận được sự tham gia đông đảo của người dân, mang lại những tác động tích cực cho môi trường của thành phố.
Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
Ngày 19-10 vừa qua, UBND phường 10 (quận Phú Nhuận) đã tổ chức phiên chợ “Đổi rác lấy quà” với chủ đề “Nói không với rác thải nhựa - rác thải nguy hại”. Hoạt động này thu hút hơn 500 người dân tham gia, hơn 300 cây xanh được chính quyền gửi tặng người dân. Ông Trần Thanh Mẫn (phường 10, quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Hưởng ứng việc làm ý nghĩa này, tôi và nhiều người khác đã tích cực hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên tình nguyện thực hiện việc đổi rác lấy cây xanh, góp phần tăng cường mảng xanh trên địa bàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia việc làm ý nghĩa này trong thời gian tới”.
Còn tại 10 phường của quận 1, hơn một tháng qua, đã có 2 tấn gạo được phát miễn phí cho người dân, thông qua chương trình “Đổi nhựa lấy gạo”. Tham gia chương trình, người dân chỉ cần mang 1kg nhựa đến sẽ được nhận 1kg gạo. Bà Trần Thị Ngọc Nữ (khu phố 4, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) cho hay: “Bình thường, tôi đi nhặt ác nhựa, chỉ bán được 3.000 đồng/ kg. Nay, với 1kg rác nhựa, tôi đổi được 1kg gạo. Tôi và nhiều người rất mừng”.
Theo bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, chương trình “Đổi nhựa lấy gạo” không chỉ áp dụng với người dân sống trên địa bàn phường, mà còn dành cho bất kỳ ai có rác thải nhựa mang đến đổi, với ý nghĩa bảo vệ môi trường, đồng thời giúp những người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch Covid-19.
Phong trào “Đổi rác lấy quà” cũng thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức tham gia. Anh Vũ Ngọc Chiến (ngụ tại quận 7), Trưởng nhóm Doralaqua (Đổi rác lấy quà), chia sẻ: “Vào cuối năm 2019, khi mới thành lập, nhóm chỉ có 2 thành viên, chúng tôi đã bỏ tiền túi mua quà tặng đổi lấy... rác. Về sau, nhận thấy hoạt động có ý nghĩa, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp, hỗ trợ chúng tôi mở rộng chương trình”.
Hiện, “Đổi rác lấy quà” còn được triển khai tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như: Phường 9, quận 3; phường 15, quận 4; phường 17 (quận Phú Nhuận); phường 2, quận Bình Thạnh; một số xã của huyện Nhà Bè…
Đánh giá về hiệu quả của chương trình, bà Trương Kim An, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nhà Bè, nói: “Chương trình “Đổi rác lấy quà” đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong cộng đồng về việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Tiếp tục lan tỏa mô hình ra cộng đồng
"Đổi rác lấy quà" - hành động ý nghĩa vì môi trường, đang được nhiều cá nhân, đơn vị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhân rộng. Anh Vũ Ngọc Chiến, Trưởng nhóm Doralaqua, cho rằng, để mô hình "Đổi rác lấy quà" của nhóm lan tỏa rộng hơn, Doralaqua sẽ tổ chức tuyên truyền ở các khu dân cư, nơi công cộng và thông qua mạng xã hội. Đồng thời vận động nguồn quỹ xã hội hóa, kinh phí bán vật liệu tái chế, thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa như mua quà tặng, hỗ trợ sinh viên khó khăn...
Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào “Đổi rác lấy quà”, phong trào “Phụ nữ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra kênh rạch”... Những việc làm này sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân về phân loại rác tại nguồn, giúp công tác thu gom rác thuận lợi hơn".
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, kết hợp với việc nhân rộng phong trào "Đổi rác lấy quà", Sở Tài nguyên và Môi trườngđang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh mở rộng chương trình “Trường học xanh” với các mô hình như “Vườn cây của bé”, “Mảng xanh trên không”... tới các trường học trên địa bàn thành phố. Qua đó, vừa giữ gìn trường lớp luôn sạch sẽ, vừa tăng cường mảng xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
Với việc triển khai các phong trào này, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Tú (quận Bình Tân) Lê Thị Thanh Xuân, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên lồng ghép các tiết học với việc tuyên truyền bảo vệ môi trường trong trường học, trong đó có chương trình "Đổi rác lấy quà", giúp học sinh hiểu hơn về vai trò của môi trường với cuộc sống".
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin, các phong trào hình “Đổi rác lấy quà”, “Đổi nhựa lấy gạo”… sẽ được thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức, nhằm thu hút sự quan tâm của người dân, góp phần đẩy mạnh ý thức phân loại rác tại nguồn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.