(HNMO) - Ngày 24-7, GS.TS, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố đã có 31 bệnh viện công lập và tư nhân tự nguyện tham gia làm trạm vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115.
Theo đó, việc hình thành các trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn thành phố là phù hợp với tình hình thực tiễn và là xu thế tất yếu hiện nay của nhiều nước trên thế giới. Nhiều trạm cấp cứu hoạt động rất hiệu quả, mang tính chuyên nghiệp như: Trạm Cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Sài Gòn ITO… với tổng số lượt xuất xe của các trạm ngang bằng với số lượt của Trung tâm Cấp cứu 115 (gần 7.000 lượt xuất xe cấp cứu).
Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết thêm, thời gian tới, ngành Y tế thành phố sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực chuyên trách công tác cấp cứu ngoài bệnh viện cho cả Trung tâm Cấp cứu 115 và các bệnh viện tham gia làm các trạm cấp cứu vệ tinh.
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Y tế và các trường đại học y khoa có thêm mã ngành đào tạo loại hình chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện (Paramedic). Đây là hướng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Điểm đáng mừng là khó khăn về định mức xe cứu thương sắp được tháo gỡ khi Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức xe cứu thương. Trên cơ sở đó, Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND thành phố Hồ Chí Minh đầu tư thêm từ 1-2 xe cứu thương cho mỗi bệnh viện tham gia hệ thống trạm cấp cứu vệ tinh.
Ngoài ra, Sở Y tế sẽ nhân rộng thêm loại hình xe cấp cứu 2 bánh đối với những trạm vệ tinh đông dân cư, giao thông thường bị ùn tắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.