(HNM) - Cùng với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có giá đất cao nhất cả nước, nhưng công tác quản lý và sử dụng đất đai tại thành phố này hiện còn nhiều hạn chế. Vì thế, thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn thiện các công cụ quản lý để biến nguồn lực này trở thành động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn lực lớn nhưng chưa hiệu quả
Thành phố Hồ Chí Minh được giao nắm giữ hơn 209.000ha đất của cả nước; trong đó có hơn 114.000ha là đất nông nghiệp, hơn 94.000ha đất phi nông nghiệp. Đây là một nguồn lực to lớn để thành phố phát triển. Tuy nhiên, không ít diện tích đất vẫn không phát huy được hiệu quả. Điển hình là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị (tên thương mại là Saigon Peninsula). Dự án được UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2007 (tại Văn bản số 8156/UBND-ĐTMT ngày 28-11-2007); có vị trí tại phường Phú Thuận, quận 7, sát bên sông Sài Gòn với tổng diện tích lên tới 117ha, dự kiến tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, trong đó vướng mắc nhất ở khâu pháp lý khiến dự án đến nay còn là bãi đất trống, gây lãng phí tài nguyên vô cùng lớn.
Trong khi đó, nguồn lực đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa được tận dụng hiệu quả. Năm 2019, dự toán thu từ đất của thành phố khoảng 14.900 tỷ đồng nhưng ước tính thu được chỉ 11.000 tỷ đồng (đạt 73,83%). So với tổng thu ngân sách thành phố giai đoạn 2016-2020 (ước đạt 1.872.922 tỷ đồng), tổng thu từ đất chỉ chiếm 3-5% tổng thu ngân sách địa phương. Trong khi đó, tại các nước công nghiệp phát triển, nguồn thu từ đất chiếm tới 50-90% tổng thu ngân sách địa phương.
Với thực tế này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh nhận định, số thu từ đất của thành phố quá khiêm tốn so với tiềm năng. “Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tạo vốn từ nguồn lực đất đai cho nâng cấp hạ tầng và dịch vụ đô thị tại thành phố”, ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, ông Lê Thanh Khuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng nêu bất cập, tại thành phố Hồ Chí Minh, công tác lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất còn chậm, ở một số thời điểm chưa bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, trong thực tiễn quản lý đất đai còn gặp khó khăn khi một số quy định pháp luật chưa nói rõ trường hợp nào phải áp dụng đấu thầu, trường hợp nào phải áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất.
Áp dụng 4 công cụ quản lý
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguồn thu từ đất là nguồn lực chính để phát triển đô thị. Là một đô thị cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng hạ tầng, thành phố Hồ Chí Minh nên có chiến lược quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, tránh thất thu, thất thoát. “Giải pháp ở đây là cần hoàn thiện các quy định về định giá đất để xác định giá đất trong các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất sao cho phù hợp giá đất trung bình trên thị trường để thu đủ ngân sách nhà nước. Về việc này, thành phố Hồ Chí Minh có thể thực hiện ngay mà không cần chờ đợi sửa đổi Luật Đất đai”, ông Đặng Hùng Võ cho hay.
Về vấn đề quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian tới, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ, có hệ thống 4 công cụ quản lý. Thứ nhất, đó là công cụ pháp luật, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương, bộ, ngành liên quan để khắc phục sự thiếu đồng bộ giữa pháp luật đất đai và các pháp luật liên quan. Thứ hai, đó là công cụ hành chính, thành phố sẽ dùng công cụ này để giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án của chủ đầu tư, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Thứ ba, công cụ quy hoạch sử dụng đất với yêu cầu đồng bộ các quy hoạch khác có liên quan. Thứ tư, công cụ tài chính đất đai với vai trò tạo động lực phát triển thành phố bằng nguồn lực đất đai.
“Để tăng hiệu quả của 4 công cụ quản lý trên, việc xây dựng hệ thống quản lý đất đai điện tử hướng tới hệ thống quản lý đất đai thông minh rất quan trọng. Hệ thống này giúp bảo đảm công khai, minh bạch thông tin đất đai để người dân giám sát”, ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.
Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình vốn hóa đất đai. Để thực hiện điều này thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được cấp cho doanh nghiệp và người dân đúng quy định, vừa bảo đảm thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, “đánh thức” nguồn lực đất đai. Cũng theo ông Võ Văn Hoan, UBND thành phố đã chỉ ra thành phố hiện có 30 điểm nghẽn trong quản lý và sử dụng đất đai; trong đó, phức tạp nhất là sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
“Sắp tới, thành phố sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để tiếp thu ý kiến chuyên gia, đồng thời tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư để cùng thống nhất các giải pháp. Sau đó, thành phố sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trên, khơi thông thị trường bất động sản”, ông Võ Văn Hoan cho hay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.