(HNM) - Các đợt triều cường vừa qua khiến nhiều tuyến đường của thành phố Hồ Chí Minh bị ngập nước. Trong khi đó, dự án chống ngập trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của thành phố vẫn chưa thể hoạt động, dù đã đạt khoảng 90% khối lượng công việc. Hiện, thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, sớm giải quyết tình trạng ngập úng...
Đến hẹn lại... ngập
Ngày 5-11, tại một số tuyến đường ven sông, rạch như Trần Xuân Soạn (quận 7), bờ kè kênh dọc đường bến Mễ Cốc, Bến Phú Định (quận 8), Lương Định Của (thành phố Thủ Đức), mực nước dâng khá cao do triều cường, gây ngập từ 20-40cm trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và đi lại của người dân. “Đoạn đường ngập ngay sát cửa cống chống ngập trên kênh Tẻ. Một tháng đôi lần, người dân chúng tôi vẫn phải lội nước bì bõm. Trong khi, cống chưa biết khi nào mới hoàn thành", bà Nguyễn Thị Ngà, ngụ tại số 203/37 đường Trần Xuân Soạn (quận 7) chia sẻ.
Báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện đang triển khai thực hiện 59 dự án, công trình phát triển hệ thống thoát nước, chống ngập. Tiêu biểu là dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng - giai đoạn 1 (dự án chống ngập do triều cường), do Công ty TNHH Trung Nam BT1547 làm chủ đầu tư.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT1547 Nguyễn Tâm Tiến, tính đến đầu tháng 11-2021, dự án đã đạt hơn 90% khối lượng. Cụ thể, cống kiểm soát triều Bến Nghé (quận 1) đạt 92%; Tân Thuận (quận 7) đạt 93%; Phú Xuân đạt 95%, Mương Chuối đạt 90% và Cây Khô (huyện Nhà Bè) đạt 90%; Phú Định (quận 8) đạt 92%. Cả 6 cống này đã hoàn tất việc lắp đặt cửa van, hệ thống xi lanh thủy lực, âu thuyền, buồng bơm...
"Công trình hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó sẽ giải quyết 3 điểm ngập do triều cường gồm đường: Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn (quận 7) và quốc lộ 50 (huyện Nhà Bè)", Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT1547 Nguyễn Tâm Tiến cho biết.
Tuy nhiên, công trình đang phải tạm dừng thi công do UBND thành phố Hồ Chí Minh chưa thể ký phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) gia hạn thời gian thực hiện dự án (hợp đồng cũ đã hết hạn từ tháng 6-2020), vì gặp vướng mắc pháp lý trong việc lựa chọn quỹ đất hoán đổi cho chủ đầu tư theo hợp đồng đã ký trước đó. Khi phụ lục hợp đồng không được ký, ngân hàng không thể giải ngân số tiền còn lại, khiến chủ đầu tư không đủ kinh phí cấp cho các đơn vị thi công.
Tích cực gỡ khó
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia môi trường và biến đổi khí hậu, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do triều cường. Dự án chống ngập do triều cường được người dân thành phố kỳ vọng sẽ cải thiện, chấm dứt tình trạng này, đem lại cuộc sống ổn định. Để dự án có thể hoàn thành, các cấp, các ngành của thành phố Hồ Chí Minh cần tích cực, chủ động đề xuất và trực tiếp gỡ các nút thắt pháp lý đang vướng mắc hiện nay.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết, cùng với việc triển khai các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng như xây dựng tuyến đê bao dọc sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 149km; hệ thống cống ngăn triều cường, trạm bơm dọc theo đê bao để tạo thêm lưu vực chứa và thoát nước, thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh việc xác định các khu đất hoán đổi cho chủ đầu tư, từ đó ký được phụ lục hợp đồng để chủ đầu tư có căn cứ pháp lý đề nghị ngân hàng giải ngân vốn, hoàn thiện công trình chống ngập do triều cường.
Cuối tháng 10 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị chủ trì phối hợp với chủ đầu tư và các sở, ban, ngành liên quan hoàn tất việc xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành của dự án, từ đó làm cơ sở để giải ngân khoản vay. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1-4-2021 về việc tiếp tục triển khai dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tháo gỡ những vướng mắc để thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo cơ chế đặc thù nhằm bảo đảm lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, thành phố quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc để dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.