(HNM) - Hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm chung cư cũ đang xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cư dân. Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặt ra.
Lo lắng trong mùa mưa bão
Bà Nguyễn Thị Huệ (sống tại lô G, chung cư Ngô Gia Tự, quận 10) cho biết, tầng 1 và 2 của chung cư thường xuyên bị thấm nước, có chỗ nước nhỏ giọt suốt ngày đêm. "Sau những cơn mưa, các bức tường của căn hộ ẩm ướt, có chỗ bị nứt rỉ nước xuống sàn nhà. Bà con ở đây đều mong muốn thành phố nhanh chóng xây mới chung cư, đồng thời có chính sách bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân”, bà Nguyễn Thị Huệ nói.
Tại chung cư 440 (đường Trần Hưng Đạo, quận 5), tình cảnh cũng tương tự. Chung cư có nhiều mảng tường bị bong tróc, thấm dột khi trời mưa. Kết quả kiểm định của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, khả năng chịu lực của kết cấu không đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, có nguy cơ bị sụt lún. Chung cư này xây dựng trước năm 1975 và đang thuộc loại nguy hiểm cấp độ D (cấp độ nguy hiểm cao nhất). Bà Nguyễn Thị Cúc là một trong 30 hộ dân sống tại đây, cho hay: “Sau nhiều lần sửa chữa, căn hộ của tôi vẫn bị thấm dột khi trời mưa. Hiện đang trong mùa mưa bão nên chúng tôi rất lo lắng”.
Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 474 chung cư (trên 27.200 căn hộ) được xây dựng trước năm 1975, trong đó có 15 chung cư nguy hiểm cấp độ D. Đối với chung cư cấp D, đến nay thành phố đã di dời toàn bộ 333 hộ dân ở 6 chung cư; đang di dời hộ dân ở 5 chung cư; đã tháo dỡ 4 chung cư, trong đó xây mới được 2 chung cư. Hiện công tác cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Không thể đạt được sự thống nhất của 100% các chủ sở hữu; quy định bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư hiện hành không còn phù hợp; khó mời gọi nhà đầu tư tham gia do nhiều chung cư diện tích nhỏ, việc đầu tư xây dựng mới không có hiệu quả kinh tế…
Ủy quyền mạnh hơn cho cấp quận
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (có hiệu lực từ ngày 1-9-2021), trong đó quy định rõ 3 trường hợp nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch mà không cần sự đồng thuận của 100% cư dân. Như vậy, quy định này đã tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi để thành phố Hồ Chí Minh có thể xây dựng mới 13 chung cư nguy hiểm cấp độ D còn lại.
Nghị định số 69/2021/NĐ-CP cũng nêu rõ, Nhà nước đứng ra lập quy hoạch chi tiết, chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm tham gia vào quy hoạch và được tham gia lựa chọn chủ đầu tư. Điều này sẽ tạo thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư, tăng khả năng lựa chọn được đơn vị có đủ năng lực đầu tư cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ.
Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, thành phố ưu tiên xây dựng mới các chung cư nguy hiểm cấp độ D. Đối với các chung cư không phải cấp D nhưng xuống cấp, hư hỏng nặng, UBND thành phố sẽ ủy quyền cho UBND các quận thực hiện phê duyệt phương án tạm cư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để chuẩn bị đầu tư xây dựng. UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cho UBND các quận lập, phê duyệt, công bố kế hoạch xây dựng và chủ trì công tác lựa chọn, công nhận chủ đầu tư các dự án xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Huỳnh Thanh Khiết cho biết, nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới chung cư cũ, Sở đã đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các cơ chế ưu đãi để mời gọi doanh nghiệp tham gia, như: Miễn tiền sử dụng đất, điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc…; tiếp tục thực hiện ủy quyền, phân công triệt để cho UBND các quận thực hiện, kể cả các chung cư cũ xây dựng sau năm 1975; xây dựng phương thức chỉnh trang đô thị phù hợp cho việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ không phải cấp D nhưng đã xuống cấp, cần xây dựng mới theo quy hoạch.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình nhấn mạnh, việc cải tạo, xây mới chung cư cũ nằm trong chiến lược tổng thể phát triển nhà ở của thành phố 10 năm tới. Nhiệm vụ này gắn với yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm, phát triển nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân, thực hiện an sinh xã hội và hài hòa với công tác chỉnh trang đô thị…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.