(HNM) - Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, những năm qua thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư. Tuy nhiên, công tác này diễn ra chậm do không ít cơ sở chây ì. Thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ dùng các biện pháp mạnh để quyết liệt chặn nguồn gây ô nhiễm.
Ô nhiễm tại các khu dân cư
Nam Bộ hiện đã bước sang mùa khô, nhưng gần đây bầu trời tại thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên xuất hiện sương mù dày đặc, kéo dài đến tận trưa. Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trời không mưa, độ ẩm không khí thấp nhưng trời vẫn có hiện tượng mù, chứng tỏ không khí bị ô nhiễm nặng.
Người dân tại quận Tân Phú phản ánh tình trạng nhiều cơ sở sản xuất nằm đan xen trong các khu dân cư thường xuyên nhả khói thải. Chị Phan Thị Thu Hoài (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) cho biết, chị ở chung cư tầng 5 nhưng chiều đi làm về không dám mở cửa sổ bởi bụi bám vào bàn ghế, vật dụng trong gia đình. Còn Trưởng Ban quản lý tòa nhà Richstar 1 (phường Hiệp Tân) Đường Ngọc Quyên cho biết, xung quanh chung cư có cơ sở chế biến, gây ra mùi và bụi rất khó chịu.
Lý giải nguyên nhân chưa thể di dời các cơ sở trên, ông Nguyễn Văn Điện, công chức địa chính, xây dựng, đô thị và môi trường, UBND phường Hiệp Tân cho biết, các cơ sở kể trên hình thành đã lâu nên việc di dời máy móc thiết bị, nhà xưởng tốn kém kinh phí rất lớn. Trong khi đó, để di dời, các cơ sở phải tốn kinh phí thuê đất, đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Đây là nguyên nhân khiến nhiều cơ sở chây ì.
Tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư không chỉ diễn ra ở quận Tân Phú mà còn ở các quận, huyện khác. Đơn cử, theo thống kê của cơ quan chức năng, tại huyện Bình Chánh có hơn 3.300 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, trong đó có hàng trăm cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Ghi nhận cho thấy, chỉ khoảng 1km thuộc đường Võ Hữu Lợi thuộc xã Lê Minh Xuân có tới 6 cơ sở sản xuất với nhiều ngành nghề như gia công nhựa, gia công cơ khí… Trong khi đó, tại hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B có khoảng 70 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực giặt sấy, nhuộm vải thường xuyên xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Kiên quyết di dời
Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Nguyễn Quốc Bình cho biết, vừa qua, cơ quan chức năng của quận đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất mà người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Qua đó đã phát hiện một số cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường và quận đã xử lý nghiêm. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tổ chức vận động, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm di dời ra ngoại thành.
Còn tại huyện Bình Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tài khẳng định, chính quyền địa phương kiên quyết xử lý, yêu cầu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là các văn bản pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về việc cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chây ì, huyện Bình Chánh đã rà soát lại việc cho thuê đất, không tiếp tục cho những cơ sở này thuê tiếp nếu không khắc phục việc gây ô nhiễm.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng thông tin, thành phố Hồ Chí Minh đang siết chặt quản lý môi trường đô thị, trong đó chất lượng không khí được quan tâm hàng đầu. Ngoài các trạm quan trắc về chất lượng không khí của thành phố, còn kết nối với các trạm quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng trên địa bàn để thường xuyên theo dõi chất lượng không khí. Đây là cơ sở để xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm không khí, trong đó có các nhà máy, xí nghiệp sản xuất xả khí thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường đến mức buộc phải di dời, thành phố sẽ cưỡng chế nếu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cố tình không thực hiện. Đối với các trường hợp chưa thể di dời ngay, thành phố yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, nước thải. Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu vận hành hệ thống xử lý khí thải, nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.
“Quan điểm của thành phố Hồ Chí Minh là kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Không để tình trạng xử phạt vi phạm hành chính rồi tiếp tục tồn tại”, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.