Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh: 8 điểm ùn tắc giao thông không chuyển biến

Thúy Nhi - Nguyễn Lê 02/11/2023 - 20:32

Chiều 2-11, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và một số nội dung dư luận quan tâm.

bui-hoa-an.jpg
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An thông tin tại họp báo.

Liên quan đến vấn đề nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị rào chắn, cản trở phương tiện lưu thông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết: Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có tổng số 68 vị trí rào chắn (giảm 5 vị trí so với tháng 9-2023) trên 30 tuyến đường.

Về giải pháp chống ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải thành phố tập trung theo hai nhóm chính: Nhóm giải pháp công trình, hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thủy 3 thuộc khu vực nút giao Mỹ Thủy, hầm chui trên đường song hành quốc lộ 1 trước Bến xe miền Đông mới, đường song hành cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (thành phố Thủ Đức); cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè); cầu Vàm Sát 2 trên đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ).

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án giao thông như: Hầm chui tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức), đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình)… Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để sớm khởi công xây dựng các dự án trọng điểm như: Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), xây dựng cầu vượt thép tại ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân)…

Nhóm giải pháp phi công trình, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cụ thể: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, hoàn thiện quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố…

pham-van-dong.jpg
Đường Phạm Văn Đồng (thành phố Hồ Chí Minh) thường xuyên ùn tắc giao thông giờ cao điểm.

Một trong những giải pháp trọng tâm khác là rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông linh hoạt, phù hợp thực tế như: Cấm xe ô tô khách có giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô thành phố từ 6h đến 22h; cấm xe sơ-mi rơ-moóc lưu thông trên 10 tuyến đường; tổ chức lưu thông 1 chiều các loại xe trên 3 tuyến đường; tổ chức lưu thông 1 chiều xe ô tô trong giờ cao điểm trên 3 tuyến đường; điều chỉnh tổ chức lưu thông 2 chiều xe ô tô từ 22h đến 6h ngày hôm sau trên 17 tuyến đường; điều chỉnh giao thông cục bộ (như cấm rẽ trái, cấm quay đầu xe, điều chỉnh làn xe…) tại 12 giao lộ; điều chỉnh cấm dừng xe, cấm đỗ xe trên 21 tuyến đường, đoạn đường; lắp đặt bổ sung dải phân cách bên tại 8 vị trí nguy cơ tai nạn giao thông

Ngoài ra, ngành giao thông thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm; tăng cường công tác phối hợp, huy động lực lượng tham gia điều tiết giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm; phát huy hiệu quả các nhóm phản ứng nhanh bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu vực trọng điểm như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm thành phố…

Kết quả, qua theo dõi 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông đến tháng 10-2023, ghi nhận có 3 điểm chuyển biến tốt, 13 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 8 điểm không chuyển biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: 8 điểm ùn tắc giao thông không chuyển biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.