(HNM) - Cuộc vận động
Tích cực thực hiện
Khách hàng lựa chọn sản phẩm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: Hải Ly
Sở Công thương đã tổ chức cho DN về bán hàng tại 17 huyện ngoại thành với 38 điểm bán tạo điều kiện để nhân dân mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng với giá phải chăng. Các hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường với nhiều hình thức: hội thảo về chương trình và giải pháp hỗ trợ DN, kích thích tiêu dùng; tổ chức hội chợ thương mại quốc tế; phiên giao dịch hàng nông sản cung ứng cho thị trường; tổ chức tuần lễ hàng thủ công mỹ nghệ, quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề; tuần lễ sữa Việt Nam; động viên DN tham gia hội chợ thương mại tại nhiều tỉnh, thành phố… để quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Hiện tại, hơn 90% hàng bán ra đều do DN trong nước sản xuất, khẳng định được vị trí trên thương trường.
Hoạt động đẩy mạnh tiêu dùng hàng nội được lồng ghép vào những đợt tiêu dùng cao điểm, có tính chất thường kỳ trong năm như tháng khuyến mại, đưa hàng về nông thôn, hỗ trợ giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán... nên càng phù hợp với yêu cầu tăng doanh số của DN và đáp ứng nhu cầu mua sắm của đông đảo người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, một số DN đã áp dụng nhiều hình thức khuyến mại mang lại hiệu quả thiết thực như: giảm giá bán, kết hợp giữa bán hàng và tư vấn tiêu dùng, không tính cước vận chuyển, phát quà tặng và bao bì đẹp… Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, chương trình bán hàng nông thôn năm 2009, việc triển khai 7 chợ Tết năm Canh Dần 2010 đã diễn ra suôn sẻ. Riêng trong 3 tháng cuối năm 2009, các công ty thành viên của Hapro đã tổ chức 20 chuyến đi bán hàng tại 11 huyện ngoại thành, tổng doanh thu đạt 2,4 tỷ đồng.
Những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện đã được nhận diện như có lúc, có nơi việc triển khai bán hàng còn chưa được chuẩn bị chu đáo, chủng loại hàng chưa phong phú hoặc mất cân đối về cơ cấu hàng, chưa đánh giá hết nhu cầu tiêu thụ về những loại hàng khác nhau… đã được khắc phục. Điều đó lý giải tại sao doanh số của các chuyến bán hàng lần sau đều cao hơn lần trước. Chính quyền và nhân dân tại các huyện đánh giá cao việc tổ chức chợ Tết và các đợt đưa hàng về nông thôn, qua đó tạo dựng được mối quan hệ tốt giữa DN với các huyện để tiến tới tổ chức những chương trình tiếp theo.
Nhân rộng hoạt động, định hướng lâu dài
Năm 2010, thành phố chỉ đạo ngành công thương cùng DN, cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động. Một số nội dung chính gồm: tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước thông qua tổ chức các hội chợ thương mại; tuần lễ hàng Thủ công mỹ nghệ; tháng Khuyến mại Hà Nội 2010; các cuộc giao thương giữa các DN trong và ngoài nước để tìm đối tác đầu tư, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường. Tổ chức các cuộc hội thảo, trưng bày sản phẩm, nhận dạng hàng giả, hàng thật… bên cạnh việc tuyên truyền về quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho DN tham gia thị trường, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư cùng với việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, khuyến khích nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ triển khai "Kế hoạch tổ chức phiên chợ hàng Việt Nam tại các huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2010". Qua đó giúp DN hiểu rõ nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ khu vực ngoại thành, từ đó có chương trình mở rộng kênh phân phối, quảng bá sản phẩm có chất lượng, các dịch vụ bán hàng theo hướng văn minh, hiện đại. Mỗi phiên chợ là dịp cho người dân ngoại thành được mua sắm và hưởng các dịch vụ chăm sóc khách hàng chất lượng, giá cả hợp lý, thúc đẩy và mở rộng giao lưu hàng hóa giữa nội thành và ngoại thành. Cuộc vận động sẽ tiếp tục được nhân rộng với những giải pháp thực hiện linh hoạt, phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh của từng đơn vị, địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.