Văn nghệ

Thanh âm mới về Hà Nội

Thúy Đinh 04/10/2024 - 10:42

Tiếp nối các thế hệ đi trước, thế hệ nhạc sĩ trẻ hôm nay cũng có nhiều nỗ lực trong sáng tác về Hà Nội.

Nhiều tác phẩm thành công khi phác họa chân dung người Hà Nội với những phẩm chất cao quý: Hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình và văn minh, một Hà Nội thâm trầm bên cạnh sự phồn hoa, năng động đang trên đà hội nhập.

am-nhac.jpg

NSƯT Thúy My, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam vừa đoạt giải A cuộc thi Thanh âm Hà Nội với ca khúc “Hà Nội Thủ đô em mến yêu”. Như lời thủ thỉ, tâm tình, ca khúc thể hiện niềm tự hào khi được sinh ra và gắn bó với mảnh đất Thủ đô.

Với nhạc sĩ Thúy My, chủ đề Hà Nội luôn có nhiều cảm xúc, nhưng có lẽ, để có thể viết nên những câu thơ, điệu nhạc thì ký ức tuổi thơ luôn là chất liệu đong đầy. “Có nhiều điều nhạc sĩ có thể đưa vào tác phẩm như Hà Nội ngàn năm văn hiến, Hà Nội qua những thăng trầm lịch sử, con người Hà Nội xưa và nay, bốn mùa ở Hà Nội với những nét đặc trưng mà ai đi xa cũng nhớ. Riêng Thúy My vẫn nhớ buổi sáng ở Bờ Hồ, nhặt những bông hoa sao kết thành vòng tay, vòng cổ. Hình ảnh phố phường với những hàng cây tràn ngập trong ánh nắng khiến cho tôi nhớ mãi” - nhạc sĩ Thúy My tâm sự.

Là một nhạc sĩ, nhạc công từng đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc, đáng lưu ý trong đó có những tác phẩm khí nhạc dân tộc đã đi vào lòng người nghe như “Nét duyên quê” (hòa tấu dàn nhạc dân tộc), “Vị quê” (độc tấu đàn nhị cùng dàn nhạc dân tộc), NSƯT Thúy My cho biết: Từ nhỏ chị đã được tham gia Câu lạc bộ Sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam, được biểu diễn nhiều ca khúc thiếu nhi của các nhạc sĩ nổi tiếng.

Khi hoạt động chuyên nghiệp trong vai trò nhạc sĩ, Thúy My mong muốn được sáng tác những ca khúc dành cho thiếu nhi, được các em yêu thích. Trong dịp này, chị còn nhận giải Khuyến khích với ca khúc “Tự hào Thủ đô mến yêu”. Cả hai ca khúc đoạt giải trong Cuộc thi Thanh âm Hà Nội năm 2024 đã đến với các bạn thiếu nhi trên toàn thành phố Hà Nội trong những dịp sinh hoạt hè.

Không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng lại được sống những năm tháng thanh xuân tại mảnh đất kinh kỳ, nhạc sĩ Vũ Ngọc Đảm cô đọng cảm xúc và nỗi luyến lưu của mình qua ca khúc “Hà Nội mùa yêu thương”. Ca khúc được Vũ Ngọc Đảm viết theo phong cách blues jazz, với mong muốn mang đến một không khí mới mẻ nhưng vẫn lột tả được những nét đẹp đặc biệt của Hà Nội: Chiều hồ Tây đôi lứa hẹn hò, mùa đông phố vắng, rặng liễu rủ, mặt hồ lung linh... Bên cạnh Giải A Cuộc thi Thanh âm Hà Nội năm nay, "Hà Nội mùa yêu thương" của Vũ Ngọc Đảm còn được vinh danh với giải thưởng Sáng tác ấn tượng, khẳng định sức hút của tác phẩm với công chúng.

“Hai mươi năm gắn bó, tôi vẫn luôn thấy Hà Nội đẹp. Vì thế tôi có nhiều cảm xúc khi viết về Hà Nội, mùa nào cũng có nét riêng. Ca khúc “Hà Nội mùa yêu thương” ra đời trong dòng cảm xúc khi viết về bốn mùa của Hà Nội. Tôi mong những ca từ, giai điệu bài hát sẽ đến với đông đảo khán giả để mọi người đều thêm yêu Hà Nội hơn” - nhạc sĩ Vũ Ngọc Đảm nói.

Tiếp tục mạch nguồn sáng tác về Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, thế hệ nhạc sĩ 7x, 8x dường như đưa Hà Nội trở về trong những điều thân thuộc, như một phần ký ức được gọi tên. Chúng ta từng có “Hà Nội 12 mùa hoa” (Giáng Son), “Hà Nội trà đá vỉa hè” (Đinh Mạnh Ninh), “Hồ Gươm sáng sớm” (Lưu Thiên Hương), “Nồng nàn Hà Nội” và “Yêu Hà Nội” (Nguyễn Đức Cường)... với những ngôn từ bình dị, tái hiện những khoảnh khắc thân thuộc mà bất cứ người nghe nào cũng có thể thấy mình trong đó. Với các nhạc sĩ trẻ 8x như Vũ Ngọc Đảm, luôn cố gắng tìm ra cách thức thể hiện mới cho ca khúc của mình.

“Tôi viết ca khúc “Hà Nội mùa yêu thương” dựa trên chất liệu nhạc jazz, giai điệu và ca từ sẽ mới mẻ hơn. Tôi đã từng nghĩ tới những bài hát “để đời” của thế hệ trước và tự hỏi: Liệu có ai nghe những ca khúc mới của chúng tôi không? Nhưng với âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung, phải có đam mê. Tôi mong muốn để lại một kỷ niệm với Hà Nội nên tâm thế sáng tác rất thoải mái” - nhạc sĩ Vũ Ngọc Đảm nói.

Nối tiếp dòng cảm xúc về Hà Nội, thể hiện tiếng nói cá nhân của thế hệ mình, những người sáng tác thuộc gen Y, gen Z tiếp tục khai thác chất liệu đa dạng trong đời sống Thủ đô kết hợp với các thể loại âm nhạc: Pop, R&B...

Nữ nhạc sĩ, ca sĩ Vstra với ca khúc “Hà Nội” đã “cảm thấy cách Hà Nội cho tôi năng lượng cũng giống như cách tôi yêu một người, tôi mang đến cho người đó năng lượng tích cực. Tôi mong mỗi khi mùa đông đến, mỗi khi trở lại Hà Nội thì ca khúc ấy sẽ luôn nhắc nhở vì sao mình yêu Hà Nội, vì sao mọi người khi đặt chân đến Hà Nội lại yêu mảnh đất này như vậy”.

Ca sĩ Wren Evans lại sáng tác riêng ca khúc dành riêng cho một cây cầu mới, ít xuất hiện trong các bài hát, “Cầu Vĩnh Tuy” - cũng là tên bài hát đầu tiên trong album Loichoi của anh. Ca khúc "Em khiến anh muốn trở thành người Hà Nội" của nghệ sĩ trẻ Negav mang một chút màu sắc cổ điển (retro) kết hợp với phong cách đường phố tạo nên nét trẻ trung, phóng khoáng đậm chất gen Z...

Có thể thấy dù đa dạng về phong cách, cách thể hiện song những sáng tác mới của các nghệ sĩ trẻ hiện nay về đề tài Hà Nội đều là thể hiện tiếng nói cá nhân mang tính đại diện cho thế hệ. Mỗi ca khúc là những nét vẽ tinh tế, khắc họa Hà Nội, thể hiện tình yêu, sự trân trọng với mảnh đất đã và đang gắn bó mà mỗi khi đi xa vẫn luôn nhớ về.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh âm mới về Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.