Nhắc đến Nguyễn Vĩnh Tiến hẳn công chúng đều biết đó là một nhạc sĩ tài hoa với nhiều bài hát đình đám.
Anh còn là một nhà thơ đam mê mãnh liệt, bền bỉ và một kiến trúc sư miệt mài với nhiều công trình đô thị đa cực. Sự hòa trộn giữa một nhà thơ, một người viết nhạc và một kiến trúc sư trong con người Nguyễn Vĩnh Tiến tạo ra cá tính nhất quán trong cảm hứng sáng tạo của anh.
- Xin chúc mừng nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến về tập thơ mang tên “Hỗn độn và khu vườn” vừa ra mắt. Vì sao anh lại vắng bóng lâu như thế sau tập thơ đầu tiên “Những bình minh khác”, 20 năm có lẻ đấy ạ?
- Tôi là một gã rất lười in ấn, xuất bản và xuất hiện trước công chúng. Thú thực là tôi có quá nhiều sự bận rộn. Công việc của một kiến trúc sư đòi hỏi tôi phải dành nhiều thời gian. Tất nhiên là tôi làm thơ rất nhiều, bất cứ khi nào tôi cũng nghĩ về thơ ca bởi vì nó là đời sống trong tôi, nó tựa hồ mạch sống luôn tràn chảy. Tôi viết cho chính đời sống của mình, về những gì đang diễn ra quanh mình, về tâm thức làng quê, về sự mất mát và biến động… Tập thơ thứ hai này là gợi ý của Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, với mong muốn tôi tập hợp những bài thơ lại và xuất bản. Tập thơ gồm 268 trang, được chia làm 5 chương: "Hoa lạ"; "Hỗn độn và khu vườn"; "Trầm cảm đô thị"; "Chàng thơ"; "Hoa nở không tên". Tập thơ mang đến một hình dung về những chặng đường đời, những chặng đường thơ của tôi từ thuở ban đầu, là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ, thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã với câu hỏi “tôi là gì” và mảnh tâm tư đã nhiều phần tìm được chốn bình yên.
- Thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến rất đặc biệt và đa dạng, đó là một giọng thơ hiện đại, từng trải, vượt ra ngoài ranh giới của thể loại, vần điệu để khám phá khả năng của ngôn từ... Anh nghĩ sao về nhận xét ấy khi công chúng đọc thơ anh?
- Thơ luôn làm tôi ngạc nhiên. Nó mở ra một không gian mà chính tôi - người kiến trúc chữ - cũng cảm thấy thú vị. Nó bất ngờ như khi vẽ tranh màu nước, màu nọ tự nhiên hòa lẫn vào màu kia tạo nên những vết loang diệu kỳ của cảm xúc. Ngay cả những vụng về, khiếm khuyết trong nét vẩy của cây cọ vẽ, lại thành một hiệu ứng lạ kỳ khiến ta nhận ra những "vết khuyết" của bức tranh chữ. Vết khuyết có sao đâu. Vết khuyết của cuộc đời có khi lại cần thơ lấp đầy. Tôi lấy tên tập thơ là “Hỗn độn và khu vườn” với ý nghĩa rằng, trong cuộc đời mỗi người luôn có sự hỗn độn trong ý nghĩ, sự va đập của đời sống khiến chúng ta luôn trăn trở, âu lo, khao khát, đau đớn… và chúng ta cần tìm một nơi trú ngụ để tìm sự bình yên, tìm thấy chính mình. Khu vườn là chính chúng ta mà cũng là thế giới rộng lớn, chúng ta cần tìm thấy bản ngã của mình.
- Trong anh có 3 con người, là nhà thơ, nhạc sĩ và kiến trúc sư, anh dung hòa như thế nào để làm tròn 3 vai trò ấy?
- Tôi thấy mình luôn đồng nhất, thơ tôi viết luôn có tính nhạc, giai điệu cùng với ca từ luôn quyện hòa vào nhau, thơ và nhạc tương hỗ cho nhau, không thể tách rời. Khi tách khỏi giai điệu, những ca từ đó là một bài thơ hoàn chỉnh, có cấu trúc, lớp lang, nhiều tầng ý nghĩa. Và đó chính là kiến trúc, kiến trúc một tác phẩm thơ hay bài hát, cũng giống như tôi đang thiết kế một công trình vậy. Kiến trúc sư là một nghệ sĩ thiết kế chứ không phải là thợ vẽ, nó là một tổng thể của sự tinh tế, sáng tạo, đó như là tác phẩm nghệ thuật chứ không đơn thuần là một công trình khô cứng. Tôi ở góc độ nào cũng luôn khám phá, sáng tạo và hòa trộn với nhau giữa thơ, nhạc và kiến trúc. Tôi luôn là tôi, một gã hát du ca bất tận, lúc nào cũng yêu, yêu đến chết (cười).
- Một người tài hoa ở nhiều lĩnh vực và đa tình như anh, anh thấy mình giàu có không?
- Tôi luôn thấy mình bất an trước sự vận động của thế giới, của thời cuộc, dù tôi đang có những điều mà người khác ao ước. Tôi viết thơ, làm nhạc, làm kiến trúc, tất cả đều xuất phát từ sự gọi mời của con tim mình, tôi làm bằng sự chân thực. Không tô vẽ, không cố tỏ ra làm khác mà phải đúng là mình. Tôi nghĩ thế này, điều mà chúng ta cần khắc nhớ chính là giá trị con người, mọi thứ khác đều ở phía sau. Tôi thấy tôi giàu có nhất chính là biết yêu thương và chia sẻ. Tôi luôn trăn trở và hoài nghi bởi sự hỗn độn của thế giới này, vì thế tôi viết trong thơ và nhạc những nỗi băn khoăn ấy và cần sự giải đáp.
- Anh có dự định gì trên con đường sắp tới?
- Tôi sống và cống hiến, những gì tôi làm được là sự trải nghiệm của cá nhân. Tôi viết thơ là để giãi bày và đối thoại với chính mình, làm nhạc là để xoa dịu. Mọi thứ đến với tôi thật tự nhiên, tôi không quá xem nặng mọi vấn đề. Với tôi, tất cả đều xuất phát từ nhu cầu tự thân và phải chạm đến con người. Hãy vì con người mà cống hiến.
- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.