Văn hóa

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy My: Tích cực “nối dài sức sống” cho âm nhạc truyền thống

Triệu Sơn 15/06/2024 - 06:40

Bằng cả hai "vai" sáng tác và biểu diễn, nhạc sĩ Thúy My (Đoàn Ca nhạc dân tộc, Ban Âm nhạc VOV3, Đài Tiếng nói Việt Nam) đã có hơn 20 năm bền bỉ gắn bó và tích cực đóng góp gìn giữ, phát triển nhạc dân tộc. Mới đây, chị là một trong 5 nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT).

11.jpg
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy My.

1. NSƯT Thúy My sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông ngoại của chị là nghệ nhân đàu bầu Nguyễn Tiếu, một trong những người sáng lập Đoàn Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam); bác ruột của chị là Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến (nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội); bố của chị là NSƯT trống chèo Văn Hùng, còn mẹ là NSƯT cải lương Thúy Đạt (cùng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam). Khi còn nhỏ, với nghệ danh My My, chị đã cùng chị gái là Thúy Thúy (hiện công tác tại Phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam) là cặp song ca "nhí” thường xuyên tham gia thu thanh, thu hình trong các chương trình “Em yêu dân ca”, “Những bông hoa nhỏ”... cũng như biểu diễn trong nhiều chương trình. Bài hát đầu tiên mà chị tham gia thu thanh là bài dân ca Nam Bộ “Lý kéo chài”, lúc đó chị mới 4 tuổi.

Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp trở thành nhạc công của Thúy My là Festival Thiếu nhi thế giới được tổ chức ở Trung Quốc năm 1993, khi đó chị mới 9 tuổi và cũng là ca sĩ nhỏ tuổi nhất đoàn. Trong chuyến đi này chị gặp nhà giáo Xuân Dung, giảng viên đàn tam thập lục của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) - người đã truyền cảm hứng, đưa chị đến với cây đàn tam thập lục. 13 năm học tập tại Nhạc viện Hà Nội (từ sơ cấp, trung cấp đến đại học), Thúy My không chỉ học chuyên ngành chính là đàn tam thập lục mà còn được đào tạo và tự tìm hiểu thêm nhiều nhạc cụ dân tộc khác, như tì bà, nhị, t’rưng, k’lông pút...

2. 17 năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam với các vai trò nhạc công, nhạc sĩ hòa âm, phối khí và dàn dựng chương trình âm nhạc, nghệ sĩ Thúy My có điều kiện phát huy khả năng thiên phú của mình về âm nhạc dân tộc. Với tinh thần sáng tạo và sự động viên của bố, năm 2013, chị viết tác phẩm khí nhạc “Một thoáng vùng cao” cho đàn tranh và dàn nhạc dân tộc. Tác phẩm đầu tay thành công ngoài mong đợi khi giành được giải Khuyến khích - Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013. Khi ấy, nhạc sĩ, NSƯT Hoàng Lương đã tin rằng, “sẽ không chỉ có một nghệ sĩ Thúy My mà còn có một nhạc sĩ Thúy My đầy tài năng trong tương lai”.

Trong những năm qua, chị đã viết nhiều tác phẩm khí nhạc cho nhạc cụ dân tộc, trong đó có những tác phẩm giành giải cao trong Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng như mang đến cho các nghệ sĩ biểu diễn thành tích cao trong cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc. Tiêu biểu là các tác phẩm “Nét duyên quê” (hòa tấu dàn nhạc dân tộc), “Biển quê hương” (độc tấu đàn bầu), “Vị quê” (độc tấu đàn nhị), “Đón bình minh” (độc tấu đàn tranh), “Tình biển” (độc tấu đàn tam thập lục), “Về bản” (độc tấu đàn tranh)... Trong sáng tác khí nhạc, chị luôn cố gắng phát huy tối đa tính năng độc đáo của từng nhạc cụ dân tộc, mang lại sự mới mẻ cho người nghe. Ví dụ như trong tác phẩm viết cho độc tấu đàn tranh và dàn nhạc “Đón bình minh” (tác phẩm đoạt giải A giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được chọn giới thiệu, trình diễn tại Hội nghị Âm nhạc quốc tế dành cho các nhạc sĩ, chuyên gia nghiên cứu về âm nhạc truyền thống các nước ASEAN năm 2019 tại Thái Lan), chị đã vận dụng kỹ thuật vuốt, á, rung, vỗ... của cây đàn tranh nhằm tạo những cung bậc âm thanh đầy sáng tạo, lúc thì cao trào mạnh mẽ, lúc thì sâu lắng. Tác phẩm đã mang đến một không gian vùng núi Tây Bắc đầy lôi cuốn, hấp dẫn.

Là một nhạc công nên khi chuyển sang sáng tác chị có nhiều lợi thế, vì có thể nắm rõ tính năng, ưu điểm của các nhạc cụ trong dàn nhạc. Thông qua các sáng tác của mình, chị muốn tôn vinh nét đẹp của những nhạc cụ truyền thống Việt Nam, đồng thời muốn các bạn trẻ có thêm sự hiểu biết và tình yêu với âm nhạc truyền thống nước nhà. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chị cho rằng trách nhiệm của người nhạc sĩ cũng rất nặng nề khi phải sáng tạo ra nét nhạc mới có sự hòa quyện giữa giá trị truyền thống và hơi thở thời đại. Đặc biệt, các tác phẩm khí nhạc của chị luôn gắn với hình ảnh quê hương, đất nước và chắt lọc nét đẹp của chèo, xẩm, hát văn, ca Huế...

3. Nhạc sĩ Thúy My không chỉ sáng tác tác phẩm khí nhạc mà còn lấn sân sang mảng ca khúc. Mới đây, chị đã giành giải Ba trong cuộc thi sáng tác "Công an quận Bắc Từ Liêm - Những mùa hoa chiến công" với ca khúc “Bắc Từ Liêm - những mùa hoa rực rỡ”. Yêu thích mảng sáng tác dành cho thiếu nhi, năm 2023, chị là một trong 10 tác giả có bài hát được Trung tâm Văn hóa Hà Nội chọn làm bài hát tập huấn hè cho thiếu nhi thành phố. Ca khúc “Hà Nội - Thủ đô em mến yêu” của chị có giai điệu vui tươi, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, giá trị lịch sử - văn hóa của Thành phố Vì hòa bình. Trong ca khúc này, chị sử dụng lời ca mộc mạc, trữ tình: “... Hà Nội xưa nơi ngàn năm văn hiến/ Hà Nội nay đang phát triển từng ngày/ Từng hàng cây xanh trải dài trên khắp phố/ Con người nơi đây tình cảm luôn tràn đầy/ Một Hà Nội trong em lịch sử vang vọng mãi/ Thành phố Vì hòa bình em vun đắp dựng xây/ Hà Nội xưa - Hà Nội nay với trái tim hồng nơi đây”.

Đa tài và sáng tác được nhiều thể loại âm nhạc nhưng nhạc sĩ Thúy My vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết cho nhạc dân tộc. Chị mong muốn xã hội chung tay góp sức để âm nhạc dân tộc được bảo tồn và phát huy hơn nữa. Chị quan niệm: “Dân ca vốn đã rất đẹp, nhưng để tiếp cận và phù hợp với nhịp sống hôm nay thì luôn cần những người khoác “áo mới” cho chúng”. Vì thế, suốt những năm qua, chị cố gắng tìm tòi và sáng tạo để tác phẩm của mình có sự mới mẻ, hấp dẫn với những khán giả trẻ, từ đó nối dài sức sống cho âm nhạc truyền thống.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy My (tên đầy đủ là Nguyễn Thúy My) quê ở phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trong sự nghiệp biểu diễn, chị đã giành Giải A Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019 với tác phẩm “Đón bình minh”; giải Ba cuộc thi soạn lời mới cho làn điệu dân ca do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức với tác phẩm “Tây Bắc quê em”...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy My: Tích cực “nối dài sức sống” cho âm nhạc truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.