(HNM) - Đài Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Con đường mang tên Bắc Sơn ấy chỉ vài trăm mét nhưng ai cũng gọi là Vườn Hồng. Bởi lẽ con đường này được trồng nhiều giống hoa hồng. Cứ đến mùa xuân, hoa hồng nở thơm ngát cả không gian trang trọng.
Cứ đến mùa xuân, hoa hồng nở thơm ngát cả không gian trang trọng. Rồi người ta lại chọn những gốc đào đẹp nhất Hà Nội về trồng bên những luống hồng thơm phức. Khi ấy, hàng chục đôi cô dâu, chú rể nườm nượp lên vườn hồng chụp ảnh, rồi quay lên Đài Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ để thắp hương cầu phúc trăm năm, thủy chung đến đầu bạc răng long. Vườn hạnh phúc là thế, vườn tình yêu là vậy.
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. |
Bắc Sơn! Bắc Sơn! Bài ca còn đó. Giai điệu hào hùng của nhạc sĩ Văn Cao vẫn ngân vang cùng tháng năm:
"Dân quân du kích. Cách mạng bùng mùa thu
Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu…
Bắc Sơn! Đây hố sâu mồ chôn
Rừng núi ngân tiếng hú căm hờn
Bắc Sơn! Khi bóng trăng mờ sương
Bắc Sơn! Không bóng người dưới thôn…".
Ý nghĩa về Bắc Sơn như một tượng đài là thế. Con đường hình thành cùng Đài Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ như một sự ghi dấu và tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã hy sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc. Thiết kế của kiến trúc sư Lê Hiệp đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa và tư tưởng một tượng đài; vừa hiện đại, vừa dân tộc thông qua hình tượng bông hoa sen, được cách điệu bằng bốn mặt vát, gợn sóng, quét nhũ vàng từ trong thân đài. Biểu cảm ấy tạo nên sự giao hòa vũ trụ, mở ra bốn phương, tám hướng, ẩn chứa những linh cảm thành kính mỗi khi khói trầm bay lên tỏa lan về cõi vĩnh hằng. Nhất là về đêm, trong ánh sáng rạng rỡ, hình tượng hoa sen lại càng nổi bật trên hồ nước, như tỏa quầng sáng hướng về một quá khứ hào hùng và những hy sinh anh dũng của bao anh hùng, liệt sĩ đã hiến dâng tuổi trẻ cho đất nước. Trên một vị trí trang nghiêm với một hình tượng có tính khái quát cao về Tổ quốc, về các dân tộc trên cõi Việt Nam và những người con đất Việt anh hùng đã ngã xuống, Đài Tưởng niệm đã gây nhiều cảm xúc cho bất cứ ai đến đây. Đài Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của Hà Nội, cùng con đường Bắc Sơn được đặt tên vào đầu những năm 70, đã gợi nhớ những năm tháng quân và dân Thủ đô căng sức chiến đấu với không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Tháng Tám. Trở lại đường Bắc Sơn với bao ký ức xao động trong tâm hồn. Lớp trẻ dạo bước bên Vườn Hồng, còn những người có tuổi lại chậm rãi đi giữa hai hàng cây trên hè phố, để hướng tới Đài Tưởng niệm. Bên phải, những cây dầu nước được gửi từ miệt rừng U Minh xa xôi, cực Nam của Tổ quốc, với bao hình ảnh thân yêu của Đất Mũi Cà Mau khiến người ta nhớ đến Anh hùng Phan Ngọc Hiển, người con Đất Mũi. Ông đã nổi dậy đánh chiếm đèn biển và tiêu diệt tên chúa đảo người Pháp ở Hòn Khoai, Cà Mau. Thật không may, sau đó đội quân khởi nghĩa trong rừng đước Rạch Giá sa bẫy giặc. Thực dân Pháp đã hành quyết 10 chiến sĩ khởi nghĩa tại sân vận động Cà Mau, vào ngày 12-7-1941.
Vậy đó, đường Bắc Sơn hội tụ được những ký ức của lịch sử cách mạng, với những nỗi mênh mang của sự tưởng nhớ và biết ơn của người dân Thủ đô và của mọi người con nước Việt đã một lần đến đây, một lần đi giữa hai hàng cây của lịch sử và tình yêu. Lịch sử của Bắc Sơn và lịch sử của Hòn Khoai đã trở thành bất tử. Còn tình yêu là của nàng Khôm, bông hoa ban trên cánh rừng Tây Bắc. Và có sự trùng hợp bất ngờ là hoa dầu nước và hoa ban cùng nở vào cữ xuân, từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm.
Tháng Tám. Ngơ ngẩn ngắm những tà áo bay phơ phất trước bao nhành hoa hồng ngát hương. Một luống hồng mới, còn lưu giữ những giọt nước long lanh mà các chị công nhân vừa tưới sáng sớm nay. Từ Đài Tưởng niệm, hướng về Lăng Bác, những dòng người đang xếp hàng, dưới cái nắng sớm mai vàng óng như mật ngọt vậy. Sau mỗi lần vào Lăng viếng Bác, nhiều đoàn về Vườn Hồng, về Đài Tưởng niệm để thắp nén hương tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ.
Tháng Tám, đi trên đường Bắc Sơn, ta không khỏi nhủ lòng phải làm gì cho đất nước ngày càng giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.