Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Thăng Long - Hà Nội những dấu son lịch sử'' qua tư liệu ảnh

An Nhi - Ảnh: Viết Thành| 03/10/2020 08:07

(HNMO) - Sáng 3-10, triển lãm "Thăng Long - Hà Nội: Những dấu son lịch sử", do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020), chào mừng Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, đã khai mạc tại phía trước Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội dự khai mạc triển lãm.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Dự lễ khai mạc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam và đông đảo nhân dân Thủ đô.

Triển lãm là một phác họa theo hình thức biên niên từ hơn 200 hình ảnh, tư liệu, ảnh hiện vật, theo 3 chuyên đề chính. Mỗi chuyên đề có mô hình biểu tượng di sản tiêu biểu của Thủ đô. Các sự kiện và nhân vật được trình bày theo thời gian lịch sử.

Trong đó, chuyên đề 1 là "Hà Nội - Kinh đô muôn đời", mang đến các hình ảnh, tài liệu, hiện vật của giai đoạn từ năm 1010 khi đức vua Lý Thái Tổ dời đô từ Ninh Bình và định đô tại Thăng Long, đến năm 1858 khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta lần đầu tiên.

Chuyên đề 2 là "Hà Nội - Tiếp nối trang sử vàng", giới thiệu các hình ảnh, tài liệu, hiện vật của giai đoạn từ năm 1858 đến năm 1986 với các dấu mốc chính: "Hà Nội buổi đầu chống Pháp (1858-1930)"; "Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội (3-1929)"; "Đấu tranh giành độc lập (1930-1945)"; "Sống mãi với Thủ đô (1946-1947)"; "Hà Nội - Ngày trở về (10-10-1954)"; "Hà Nội kiên cường chống Mỹ (1954-1975)"; "Hà Nội - Thủ đô Việt Nam thống nhất (1975-1986)"; "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội".

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội tham quan triển lãm.

Chuyên đề 3 là "Hà Nội - Đổi mới, sáng tạo và phát triển", giới thiệu với người xem về Hà Nội từ sau thời kỳ đổi mới đất nước đến nay theo nhóm: "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh"; "Xây dựng nông thôn mới"; "Một số công trình, dự án ấn tượng trong quy hoạch, xây dựng đô thị Hà Nội"; "Hà Nội điểm đến an toàn, thân thiện"; "Từ Thành phố Vì hòa bình đến Thành phố sáng tạo"; "Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quốc tế với Hà Nội"; "Thủ đô Hà Nội học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Trong đó, có các tư liệu, hình ảnh nhấn mạnh vào những dấu mốc chính: Năm 1999, Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", bạn bè quốc tế vinh danh là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; năm 2000, Hà Nội được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý "Thủ đô Anh hùng"; năm 2019, Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Người dân Thủ đô tham quan triển lãm.

Phát biểu tại triển lãm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động nhấn mạnh, những dấu mốc này chưa phải là toàn bộ lịch sử Thăng Long - Hà Nội nhưng là sự biểu trưng cho từng thời kỳ, từng giai đoạn, phản ánh đặc điểm riêng của lịch sử Thăng Long - Hà Nội nhưng vẫn nằm trong tính thống nhất với lịch sử dân tộc. Triển lãm là dịp để cán bộ, nhân dân và du khách gần xa thêm hiểu, thêm yêu và thêm gắn bó với Thủ đô Hà Nội.

Triển lãm diễn ra đến 21h ngày 15-10, tại không gian ngoài trời để nhân dân và du khách tự do thưởng lãm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Thăng Long - Hà Nội những dấu son lịch sử'' qua tư liệu ảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.