Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắng lợi của sự kết hợp vừa đánh, vừa đàm

Đại tá - Th.S Dương Văn Thụy| 26/01/2013 07:26

(HNM) - Ngày 27-1-1973, tại Paris (Cộng hòa Pháp),

Đó là kết quả của cuộc đấu tranh đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ trong suốt 4 năm 8 tháng 16 ngày, là thắng lợi của sự kết hợp vừa đánh, vừa đàm. Với Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt dính líu quân sự. Chế độ Việt Nam cộng hòa mất chỗ dựa, bị suy yếu, lún sâu vào khủng hoảng, để rồi bị sụp đổ hoàn toàn 2 năm sau đó.


Toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu


Đầu năm 1967, Đảng ta đã quyết định nâng hoạt động ngoại giao thành một mặt trận, phối hợp với mặt trận quân sự và chính trị để đấu tranh với Mỹ. Thất bại nặng nề sau Tết Mậu Thân năm 1968, chiến lược "Chiến tranh cục bộ" bị phá sản, Mỹ buộc phải "xuống thang" tuyên bố hạn chế ném bom miền Bắc, sẵn sàng đàm phán với ta. Ngày 3-4-1968, ta tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ để xác định điều kiện nói chuyện giữa hai bên, mở đầu cuộc tiến công trên mặt trận ngoại giao. Ngày 13-5-1968, hội nghị đàm phán giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, phố Kléber, Paris.

Tháng 1-1969, Nixon lên cầm quyền, đã điều chỉnh chủ trương: "Phi Mỹ hóa" của Johnson, bằng chiến lược "Việt Nam hóa" chiến tranh. Trước âm mưu, thủ đoạn mới của địch, tháng 1-1969, trong thư gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp xuân mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục tiêu và phương châm chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Thực hiện chỉ thị của Bác, ta chủ động điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược, khôi phục lại thế liên hoàn làm chủ và tiến công địch trên cả ba vùng, tập trung nỗ lực kết hợp giữa tác chiến với xây dựng các lực lượng chủ lực và địa phương theo hướng gọn, mạnh, luồn sâu đánh hiểm, đánh tiêu diệt lớn lực lượng địch trên các chiến trường.

Đầu năm 1971, quân ngụy mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719" đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào. Dựa trên thế trận đã được chuẩn bị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch phản công quy mô lớn; chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị đánh tiêu diệt lớn, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, diệt gọn nhiều đơn vị chủ lực tinh nhuệ địch, bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược Bắc - Nam qua đất bạn Lào thông suốt.

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và tiếp đó là thắng lợi của chiến dịch Trị - Thiên, chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến dịch bắc Tây Nguyên và các chiến dịch tiến công tổng hợp bắc Bình Định, Khu 8 trong năm 1972 của ta đã phát huy được sức mạnh binh chủng hợp thành, đột phá thành công các trận địa phòng ngự kiên cố của địch, làm cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bất ngờ, ngụy quân suy sụp, suy yếu cả về chính trị và chiến lược quân sự, ta giành thắng lợi lớn.

Trước nguy cơ sụp đổ của ngụy quân, xương sống của chiến lược "Việt Nam hóa" chiến tranh, Nixon buộc phải "Mỹ hóa" trở lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng tăng số máy bay chiến thuật, chiến lược lên gấp ba lần, sử dụng không quân và hải quân làm lực lượng chiến đấu trực tiếp, cùng quân đội Sài Gòn phản kích ngăn chặn cuộc tiến công của ta trên chiến trường miền Nam; đồng thời huy động máy bay, tàu chiến gây lại cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc và ra sức phá hoại Hội nghị Paris. Hai bên thỏa thuận ngày 31-10-1972, sẽ ký hiệp định chính thức tại Paris.

Hiệp định Paris đã có thể được ký kết theo đúng lịch trình nếu không có sự lật lọng từ phía Mỹ. Ngày 22 và 23-10-1972, Mỹ đòi hoãn ngày ký để thảo luận thêm, một phần là do Nguyễn Văn Thiệu phản đối quyết liệt nhưng thực chất là để có thời gian đưa vũ khí, trang bị cho ngụy quyền Sài Gòn và thực hiện cuộc tập kích chiến lược đường không với quy mô lớn nhất vào miền Bắc Việt Nam với mật danh "Linebacker II", con bài quân sự cuối cùng hòng cứu vãn tình thế, buộc Việt Nam phải khuất phục, chấp nhận những điều khoản có lợi cho Mỹ.

Diễn biến của cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng phức tạp, nhưng Đảng ta vẫn kiên trì thực hiện phương thức kết hợp vừa đánh, vừa đàm, tiếp tục giữ quyền chủ động tiến công, giữ vững vùng giải phóng, góp phần với đấu tranh ngoại giao tiến công địch trong hội đàm ở Paris. Quân và dân miền Bắc nhanh chóng chuyển từ thời bình, sang thời chiến; lực lượng phòng không ba thứ quân kiên quyết giáng trả không quân Mỹ những đòn đích đáng, kiên quyết bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 trên bầu trời Hà Nội.

Ván bài cuối cùng dùng sức mạnh quân sự hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm của Mỹ hoàn toàn thất bại, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định đã thực hiện được mục tiêu "đánh cho Mỹ cút", mở ra một giai đoạn mới, thuận lợi cho mục tiêu "đánh cho ngụy nhào", là tiền đề để chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước bằng Đại thắng mùa xuân 1975.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thắng lợi của sự kết hợp vừa đánh, vừa đàm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.