(HNM) - Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chiến giành lại quyền kiểm soát thành phố Timbuktu, thành trì của các tay súng Hồi giáo cực đoan chiếm đóng miền bắc Mali từ tháng 4-2012.
Ngày 28-1, trước đông đảo báo giới, ông F.Hollande nhấn mạnh, với sự hỗ trợ của gần 3.000 binh sĩ Pháp, lực lượng liên quân Pháp và Mali đã giành thắng lợi trong cuộc chiến. Thị trưởng Timbuktu Halley Ousmane, người đang ở thủ đô Bamako, đã xác nhận thông tin này. Trong khi đó, tại Timbuktu, hàng trăm người dân vẫy cờ Pháp và Mali đã chào đón liên quân như những người hùng khi họ tiến vào thành phố lịch sử bị chiếm đóng và áp đặt Luật Hồi giáo suốt 10 tháng qua.
|
Người dân Mali chào đón lực lượng liên quân tiến vào thành phố Timbuktu. |
Như vậy, sau 18 ngày (bắt đầu từ 11-1) mở chiến dịch can thiệp quân sự mang tên "Mèo sa mạc", sự vào cuộc quyết đoán của Paris đã gỡ bỏ mối lo lớn của cộng đồng quốc tế về sự mất ổn định của Mali cũng như khu vực Tây Phi. Cũng phải nhấn mạnh rằng, cùng với nỗ lực của Pháp trong chiến dịch viễn chinh này phải kể đến sự hỗ trợ mạnh mẽ của cả cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều quốc gia khác đã đứng bên cạnh Pháp nhằm mang lại sự ổn định cho Lục địa đen. Trong một diễn biến mới, các nước tiếp tục thông báo tăng cường trợ giúp Mali. Cụ thể, ngày 28-1, Togo cam kết đóng góp hơn 700 binh sĩ vào lực lượng quốc tế tại Mali dưới sự giám sát của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS). Trong khi Chad, một nước không phải thành viên ECOWAS, đã cam kết đưa 2.000 lính tới Mali. Trước đó, nhằm hỗ trợ binh lính Pháp tại Mali, Lầu Năm Góc đã tiến hành 17 chuyến bay C-17 mang theo hơn 391 tấn trang thiết bị quân sự và gần 500 người từ Pháp tới Bamako. Washington đã hỗ trợ cung cấp tiếp nhiên liệu trên không cho các máy bay đang thực hiện chiến dịch không kích của Pháp ở Mali. Canada cũng cam kết viện trợ thêm cho Mali 13 triệu USD. Chính phủ Đức, ngày 29-1, thông báo sẽ cung cấp thêm quỹ và trang thiết bị hỗ trợ cho chiến dịch chống phiến quân tại Mali. Ngày 29-1, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, London sẽ triển khai khoảng 330 binh sĩ và cố vấn quân sự tới Mali và các nước láng giềng để giúp đỡ huấn luyện quân đội Mali và lực lượng can thiệp thuộc Phái bộ của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi ở Mali (AFISMA)...
Song song với đó, một tin mừng cũng đến với người dân Mali. Ngày 29-1, tại Hội nghị tài trợ quốc tế dành cho Mali ở thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), các lãnh đạo Châu Phi và quan chức quốc tế đã cam kết dành 455,5 triệu USD cho chiến dịch quân sự nhằm đẩy lùi các tay súng Hồi giáo ở miền bắc Mali và hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này. Số tiền gồm hơn 120 triệu USD do Nhật Bản đóng góp và 96 triệu USD của Mỹ. Tại hội nghị, Tổng thống Cote D'Ivoire Alassane Ouattara, Chủ tịch ECOWAS bày tỏ tin tưởng trong năm nay, Mali sẽ có đủ khoản tiền cần thiết. Đó là những điều kiện cần trong bối cảnh hiện nay với Mali. Vì, theo các nhà phân tích, chính do thiếu tiền và hậu cần đã ảnh hưởng tới khả năng AFISMA hỗ trợ quân đội Mali chống lại các lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Hiện tại, để tạo sự ổn định cho Mali, ngày 29-1, Thủ tướng Pháp Jean - Marc Ayrault đã bày tỏ sự ủng hộ việc sớm triển khai một phái bộ quan sát viên quốc tế tới Mali. Theo đó, đơn vị này sẽ hoạt động theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về việc huy động một lực lượng của Châu Phi trợ giúp chính quyền lâm thời Mali. Đặc phái viên LHQ về vùng Sahel, ông Romano Prodi cũng kêu gọi, Chính phủ Mali nhanh chóng chuẩn bị cuộc bầu cử tại nước này. Trong khi đó, theo Tổng thống Mali Dioncounda Traore, quốc gia này lên kế hoạch tổ chức bầu cử vào ngày 31-7 tới. Chính phủ đã lên kế hoạch, ngay khi sự ổn định được lập lại ở các thành phố chính và sẽ nối lại đàm phán vì hòa bình ở Mali dựa trên sự ổn định chính trị… Đó là những tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh hiện nay. Dư luận cho rằng, cuộc khủng hoảng Mali đang tiến tới hồi kết có hậu sau nhiều tháng khủng hoảng.