(HNM)- Có một vùng quê làm nghề truyền thống luôn đỏ lửa, cuối năm không có tháng
Hơn 180 hộ gia đình đều làm nghề gói bánh chưng phục vụ Tết cho Hà Nội và các vùng lân cận, những năm gần đây, bánh chưng của làng Tranh Khúc còn xuất khẩu sang một số nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống. Ước tính mỗi vụ Tết đến, làng Tranh Khúc sản xuất hơn 100 nghìn chiếc bánh chưng các loại, chiếm 50 đến 60% thị phần bánh chưng cho Hà Nội. Do vậy, tháng cuối năm, Tranh Khúc sôi động và đỏ lửa suốt đêm, nhà nhà làm bánh, ô tô, xe máy chở gạo, đậu, lá dong các nơi tập kết về, rồi lại chở bánh đi tiêu thụ. Nhịp điệu làng nghề sôi động nhưng Tranh Khúc lại là một vùng quê yên tĩnh, không xảy ra tệ nạn trộm cắp, cờ bạc, gây mất trật tự trong xóm, ngoài làng.
Cả nhà cùng gói bánh.
Đi dọc con đường làng, chúng tôi thấy người đi mua gạo, đậu, lá dong từ các đại lý chở về, nhà nào cũng mở rộng cửa, mỗi người một việc, có những gia đình từ ngày 20 tháng Chạp phải thuê thêm lao động tự do từ các vùng quê, sinh viên nghỉ Tết giúp gói, luộc bánh cả đêm. Người dân trong làng cho biết, nhiều gia đình đã có tới thế hệ thứ năm, thứ sáu gắn bó với nghề.
Để có bánh chưng ngon, gạo gói bánh là thứ gạo nếp vàng Hải Hậu, Nam Định hạt tròn, thơm, dẻo, đậu xanh vàng ruột tách sạch vỏ, thịt lợn ngon để làm nhân bánh. Khi gói bánh phải dùng 8 tàu lá dong, chẳng phải để độn cho bánh to mà vì càng kín càng giữ bánh được lâu không bị thiu mốc. Khi luộc bánh, có lúc cần to lửa để chóng sôi nước, lúc nhỏ lửa và cứ sau một giờ lại phải đổ thêm nước nguội vào nồi đang sôi vừa để nồi bánh khỏi cạn, vừa để nhựa gạo bịt kín lớp vỏ lá, bánh chóng nhừ. Các công đoạn gói bánh làm vào ban ngày, đêm đến các lò đun đỏ lửa để đến sáng kịp có bánh xuất đi các nơi. Băn khoăn về một làng nghề sôi động như vậy, liệu an ninh trật tự ra sao, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng thôn Tranh Khúc. Ông Thanh là bộ đội phục viên, đã nhiều năm làm trưởng thôn cho biết: "Có thể khẳng định, tháng giáp Tết của chúng tôi là tháng đỏ lửa. Để yên tâm làm nghề nên từ người dân đến cán bộ thôn luôn đoàn kết, cảnh giác bảo đảm sự bình yên. Vào dịp cuối năm, chúng tôi tăng cường tuần tra, kiểm soát từ 22h, nếu thấy người lạ là hỏi cho rõ". Không kể gì tháng giáp Tết, hằng tháng vào ngày 16 theo quy định, Công an huyện Thanh Trì tổ chức họp giao ban về công tác an ninh trật tự trên địa bàn gồm trưởng thôn, công an viên, đại diện Mặt trận Tổ quốc, các hội Cựu chiến binh, Thanh niên, Phụ nữ để rà soát tình hình và tìm biện pháp giải quyết. Việc triển khai các biện pháp đồng bộ, động viên bà con trong thôn, xóm cùng chung sức giữ gìn an ninh trật tự, cam kết thực hiện nghiêm quy định về đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người đến làm thuê để quản lý. Những tụ điểm như hàng quán cà phê, giải khát, internet, sau 23h phải đóng cửa. Khi có hiện tượng nghi vấn hoặc xuất hiện các nhóm thanh niên tụ tập, chơi bời có thể gây mất trật tự, dân tự nguyện thông báo cho trưởng thôn hoặc công an viên. Khi nhận được thông tin của quần chúng, cán bộ thôn kịp thời có mặt giải quyết, nếu tình hình phức tạp thì báo lên xã hoặc các trạm Công an Đông Mỹ, Thanh Trì để kịp thời phối hợp giải quyết.
Khi được hỏi, liệu trong thôn xã hoặc vùng lân cận có các tụ điểm phức tạp như nghiện hút, ma túy, cờ bạc, rượu chè, ông trưởng thôn cho biết: Từ trước năm 2002, cuối thôn có một tụ điểm nghiện hút ma túy, được quần chúng báo tin, địa phương đã phối hợp với các lực lượng của xã, huyện kịp thời xóa bỏ. Khi phát hiện có người nghiện, cán bộ thôn và các đoàn thể động viên gia đình đưa đi cai nghiện. Những người đã cai nghiện về địa phương phải chịu dưới sự giám sát của gia đình và địa phương nên nhiều trường hợp không tái nghiện. Ông trưởng thôn khẳng định, thôn không có trộm cắp mặc dù tháng cuối năm việc làm ăn, sinh hoạt, đường làng tấp nập người ra vào. Năm 2007, thôn Tranh Khúc và xã Duyên Hà được Công an huyện Thanh Trì khen thưởng là địa phương giữ vững an ninh trật tự.
Nhờ những cố gắng đó, Tranh Khúc đã trở thành một vùng quê, một làng nghề truyền thống bình yên. Tết 2010, một số hộ trong làng đã sắm thêm máy hút chân không để đóng gói bánh vào túi nilon, in mã số của từng gia đình đăng ký bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu bánh chưng Tết Tranh Khúc trên thương trường. Không xa nữa, Tranh Khúc sẽ thu hút nhiều khách du lịch về thăm mỗi độ Tết đến, xuân về và cũng để chiếc bánh chưng làng Tranh Khúc không chỉ có mặt trên thị trường Hà Nội mà còn mở rộng hơn nữa trong nước và vươn lên xuất khẩu ra nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.