(HNM) - Giữa tháng bảy, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới đã có chuyến về nguồn - “vùng đất lửa” một thời là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị - để tưởng nhớ những người đã anh dũng nằm xuống vì sự trường tồn của dân tộc.
Đoàn cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đường 20 Quyết Thắng và hang Tám Cô. Ảnh: Phan Anh |
Chuyến đi trong 5 ngày không phải là dài nhưng cũng để lại trong lòng mỗi thành viên nhiều cảm xúc tự hào khi chứng kiến hy sinh mất mát, hiểu thêm về giá trị cuộc sống hòa bình. Và hơn hết, mỗi người làm báo Đảng Thủ đô lại thầm hứa sẽ sống sao cho xứng đáng với cha anh, cùng phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Chuyến đi được thực hiện giữa lúc cả nước chung lòng làm việc nghĩa, cùng hướng về lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Dễ hiểu là với Đoàn công tác của Báo Hànộimới, như Tổng Biên tập Nguyễn Hoàng Long đã lưu ý trước lúc lên đường, chuyến đi này mang ý nghĩa về nguồn đích thực. Về với chiến trường xưa, đến bên những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do, để hiểu thêm về lịch sử và trách nhiệm cá nhân đối với công cuộc kiến thiết đất nước hiện nay.
Không có quá nhiều thời gian, lịch trình về nguồn được xác định ngay từ đầu. Chúng tôi sẽ đến Vũng Chùa viếng thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vào hang Tám Cô, sau đó tới Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đi dọc Đường 9 huyền thoại lên Khe Sanh rồi trở lại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Cuối cùng là tới Thành cổ Quảng Trị oai hùng và rẽ vào thăm mười nữ thanh niên xung phong đang nằm lại Ngã ba Đồng Lộc.
Ở nơi đã thành huyền thoại
Về nguồn thật cảm động, bất kể điểm đến đã thành quen thuộc hay không. Trước chuyến đi này, trong đoàn có những người từng đến hang Tám Cô, đã hiểu về địa danh này, nhưng cũng có người được đến lần đầu, từng nghĩ rằng hang Tám Cô là nơi mà tám nữ xung phong nằm lại đó sau trận bom Mỹ ác liệt, chứ không phải tên gọi đó có từ trước khi sự kiện bi thương xảy ra và hang Tám Cô ngày nay không chỉ là địa danh gắn liền với những nữ anh hùng.
Hôm ấy, chúng tôi đến hang Tám Cô khi đã gần trưa. Trời nắng gắt nhưng không có cảm giác bức bối. Cảm nghĩ rất lạ, ngay với người đã từng qua nơi này không chỉ một lần. Hơn ba mươi con người ngồi xem những thước phim nói về những người con trai, con gái đang độ thanh xuân bạt núi mở đường thông Đường 20 Quyết Thắng xuyên dãy Trường Sơn - con đường huyền thoại.
Những thước phim như quay chậm, đưa những người mà đa số chưa từng cảm nhận trực tiếp mùi vị chiến tranh trở về những ngày tháng khốc liệt cách nay gần nửa thế kỷ. Trên màn hình là cung đường gian khổ, loáng thoáng đâu đó tên gọi những trọng điểm đã đi vào thi ca. Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu La Nhích gắn liền với hàng nghìn thanh niên xung phong với hơn một nửa là những thiếu nữ mười tám đôi mươi.
Những thước phim kể câu chuyện lịch sử cho hậu thế, về tám bộ đội và thanh niên xung phong thuộc Đại đội 217, Ban Xây dựng 67 thuộc Đoàn 559 đã hy sinh tại hang Tám Cô trong buổi chiều 14-11-1972 tại cây số 16 trên Đường 20 Quyết Thắng khi họ lui vào hang đá để tránh trận bom B52, nhưng cũng là nói về hơn 500 người con trai, con gái khác đã ngã xuống trong lúc bám trụ hoàn thành nhiệm vụ mở đường cho xe ra tiền tuyến. Hang Tám Cô, đó không chỉ là huyền thoại về những con người cụ thể nữa, mà là biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tấm gương vì nước quên thân của hàng nghìn, hàng vạn thanh niên xung phong và cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 559 anh hùng.
*
* *
Chúng tôi trở lại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vào ngày hôm sau, nơi có lẽ bất kỳ ai cũng muốn được tới thăm ít nhất một lần trong đời.
Đó là buổi trưa hè oi ả trước cơn bão số 2. Hàng nghìn người đã có mặt tại đồi Bến Tắt bên quốc lộ 15, nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn liệt sĩ. Đa số đi thành đoàn, yên lặng chờ đợi đến lượt mình được gọi tới Đài liệt sĩ thắp nén tâm hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống để hậu thế có được cuộc sống bình yên. Những người đã hoàn thành nghi thức dâng hương tỏa ra các phần mộ. Một số đứng dưới tán lá bồ đề phía sau Đài liệt sĩ, cảm nhận bầu không khí linh thiêng hiếm gặp trong đời. Ai đó khẽ kể câu chuyện mà nhiều người đã biết, về những người quản trang sống giữa âm thanh như thể tiếng quân reo mỗi khi gió về làm lay động cây lá.
Khu mộ liệt sĩ Hà Nội ở ngay gần Đài tưởng niệm. Giữa nắng trưa, một người đàn ông yên lặng trước ngôi mộ liệt sĩ Ngô Mạnh Minh, người chiến sĩ trẻ năm xưa hy sinh tại Quảng Trị chỉ sau hai tháng có mặt tại chiến trường, khi mới bước vào độ tuổi đôi mươi. Anh Ngô Văn Mười, hiện sống ở thị xã Sơn Tây và là cháu của liệt sĩ Ngô Mạnh Minh đến nghĩa trang từ sớm, bắt đầu chăm sóc cho phần mộ của chú mình sau khi thăm viếng những liệt sĩ ở quanh đó.
Anh đặt chiếc mũ xanh bằng giấy, kiểu cách giống hệt chiếc mũ không bao giờ rời xa người chiến sĩ năm xưa lên ngôi mộ của người chú và nói với phóng viên Báo Hànộimới: “Mọi người tìm thấy chú tôi từ năm 1985 rồi đưa chú về đây. Hơn chục năm trước gia đình mới biết. Gia đình chú giờ chỉ còn hai người em ruột, một bị bệnh đao và một thì gia cảnh khó khăn lắm. Chú Minh ở lại đây với đồng đội, hằng năm chúng tôi lại vào thăm”.
Chuyện của anh Ngô Văn Mười giản dị là thế, nhưng đeo đẳng nặng lòng những người có mặt.
Suốt ngày hôm đó, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới luôn có cảm giác thiếu vắng điều gì đó, dù đã đến được hang Tám Cô, tới Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị, đi dọc Đường 9 huyền thoại để lên Khe Sanh, qua những địa danh lay động lòng người như Cam Lộ, Đầu Mầu, Lao Bảo… Tại sao những người như anh Ngô Văn Mười có thể cảm thấy yên lòng khi người thân của mình ở lại nơi cách xa quê nhà hàng trăm cây số? Tại sao những người cựu binh chưa từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị lại có thể trở lại nơi này hằng năm, vượt quãng đường dài chỉ để thắp nén hương cho người chiến sĩ mà mình không quen biết?
Sau này, khi đã trở lại với công việc quen thuộc hằng ngày, nhớ đến chuyến thăm Thành cổ Quảng Trị và Ngã ba Đồng Lộc vào ngày hôm sau, nghĩ lại những nơi mình đã tới, những người mình đã gặp thì cảm nghĩ mới dần sáng ra. Với những câu hỏi nói trên, câu trả lời chỉ có thể là tình đồng đội, đồng chí giữa những người cùng lý tưởng. Tình cảm gắn bó keo sơn giữa những người chiến sĩ cùng thời, giữa người ra đi và người còn may mắn ở lại với đời.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.